Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Đề thi sẽ không quá khó

Một thông tin, có lẽ là tin vui cho nhiều thí sinh khi lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, đề thi năm nay sẽ không quá khó.

Hai kỳ tuyển sinh trước đây, với việc phổ điểm của thí sinh (TS) chủ yếu nằm ở khu vực điểm dưới trung bình, cộng với việc Bộ GDĐT kiên quyết duy trì mức điểm sàn bị đánh giá là cao so với kết quả thi của TS, đã đẩy nhiều trường ngoài công lập và cả công lập vào tình trạng không tuyển đủ được chỉ tiêu.

Năm nay, Bộ GDĐT có một số sửa đổi quy chế tuyển sinh, nhằm cải thiện tình trạng này, trong đó có việc TS được quyền xét tuyển nhiều lần. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết, năm nay Bộ GDĐT đã chỉ đạo các tổ ra đề thi ra đề không quá khó, không quá dài, không đánh đố TS để TS trung bình cũng có thể làm được. Tuy nhiên, đề thi cũng có tính phân loại cao, đồng nghĩa với việc phổ điểm rải đều và điểm cực đại của phổ điểm nằm trong vùng điểm trung bình. Theo đó, cách ra đề này sẽ giúp các trường có thể lựa chọn được TS phù hợp vào học các ngành đào tạo ở các nhu cầu đầu vào khác nhau. Trong mùa tuyển sinh năm 2011, các môn ngữ văn, địa lý, sinh học có phổ điểm đạt yêu cầu trên của bộ và năm nay, bộ kỳ vọng tất cả các môn thi đều có phổ điểm như vậy.


Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp.
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy
Đến thời điểm này, theo ông Ga cho biết thì Ban đề thi đã làm xong đề của đợt thi thứ nhất (khối A, A1) và bàn giao cho cơ sở sao in đề thi.

Sau những dư luận không hay về tỉ lệ 98% đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, phải chăng việc giảm độ khó của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ lần này để kéo được kết quả của hai cuộc thi gần nhau hơn cũng là một cách “thanh minh” cho ngành giáo dục?

Trước thông tin đề thi sẽ dễ hơn, ông Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH dân lập Văn Lang - nhận xét, đó sẽ là một trong những yếu tố tác động đến đầu vào của các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quyết định. Ông Tuấn lý giải, nếu đề thi dễ hơn, TS làm được bài tốt hơn, kết quả thi sẽ cao hơn, nhưng khi đó nếu bộ lại căn cứ vào kết quả thi để tính điểm sàn cao lên thì cũng... hòa.

Lãnh đạo Trường ĐH Bình Dương thì nhận xét: Yếu tố khó - dễ của đề là một vấn đề rất nhạy cảm, những người làm đề phải thật sự “có nghề”. Đề có giảm độ khó hay là dễ hẳn thì cũng phải đạt được kiến thức chung ở mức độ nào đó. Hơn nữa, cấu trúc đề nhẹ quá, các trường ĐH nhóm đầu sẽ không tìm được nhân tài và sẽ lại xảy ra tình trạng như vài năm trước đây, khi đề thi quá dễ đã có hàng chục TS được điểm tuyệt đối và một số trường TS đạt tới 26 - 27 điểm cũng không trúng tuyển.

Lãnh đạo một trường ĐH ngoài công lập khu vực phía bắc lại cho rằng, để tạo được nguồn tuyển đủ cho các trường ngoài công lập, dù đề thi có dễ hay cho xét tuyển nhiều lần cũng... vô nghĩa, nếu bộ vẫn còn giữ điểm sàn. Theo vị này, giải pháp tốt nhất vẫn là bộ nên xem xét đến việc bỏ điểm sàn: “Không nên lấy mục tiêu đảm bảo chất lượng đầu vào để giữ mãi điểm sàn. Trường nào không đảm bảo chất lượng sẽ sớm bị đào thải, không cần đến điểm sàn của bộ”.

Đề thi sẽ không quá khó Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét