Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Để thí sinh không rớt oan

Hoàn tất các bài thi, nỗi lo lắng, hồi hộp còn bám sát sĩ tử cho đến khi kết quả thi được công bố.

Nếu các trường coi trọng khâu chấm thi, đảm bảo công bằng, chính xác thì sẽ hạn chế tình trạng thí sinh (TS) rớt vì… giám khảo.
Chấm ngay sau khi thí sinh thi xong
Lãnh đạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho hay từ ngày 11 đến 13.7 trường tiến hành làm phách và sau đó chấm ngay. Ông Trần Ngọc Liêu, Trưởng ban Đào tạo trường này, thông tin: “Thường khoảng 25.7 hoàn tất công tác chấm thi, sau đó sẽ công bố kết quả cho TS”.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận hợp đồng chấm cả các môn tự luận và trắc nghiệm cho khoảng 5 - 6 trường khác. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của trường, chia sẻ: “Việc chấm được tiến hành đồng thời và tách hội đồng chứ không hẳn chấm xong trường này mới sang trường khác”. Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, cho biết: “Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, nhà trường tiến hành làm phách và chấm thi ngay”.
Trường ĐH Văn hóa huy động cả giám khảo trường ngoài cùng chấm thi tự luận. Theo bà Phạm Thị Vân Chi, Phó hiệu trưởng: “Năm nay dự kiến mời khoảng 50 giám khảo của trường bạn và sẽ công bố kết quả khoảng trước ngày 25.7”.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho hay trường đã bắt đầu chấm thi các môn thi đợt 1 từ ngày 10.7, dự kiến 20.7 hoàn tất và công bố điểm thi vào khoảng 25.7.
Chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Để thí sinh không rớt oan
Các giám thị chấm thi môn toán tại một trường ĐH ở TP.HCM chiều 11.7 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Không chạy theo tiến độ
Dù áp lực về thời gian, nhưng lãnh đạo nhiều trường khẳng định có thể công bố chậm một chút và quan trọng là phải đảm bảo chấm công bằng cho TS.
PGS Nguyễn Văn Kim, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, khẳng định: “Khi chấm thi, chúng tôi cam kết với xã hội và TS về việc đảm bảo tính công bằng tối đa. Nguyên tắc đầu tiên khi lựa chọn giám khảo là phải đúng chuyên môn, sau đó là đảm bảo chấm 2 vòng độc lập”. Ông Kim cũng cho biết không hề quy định mỗi ngày một giám khảo phải chấm bao nhiêu bài thi tự luận.
Theo ông Lê Quốc Hạnh, trường phải hợp đồng với Bộ GD-ĐT chấm thi các môn trắc nghiệm, giáo viên trường khác chấm các môn văn, toán. Trường đối tác chấm thi cũng phải chịu trách nhiệm luôn cả việc chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận theo như quy định của Bộ từ năm nay. Ông Hạnh tâm sự: “Có năm tôi đến trường chấm thi thấy cả “núi” thùng bài thi đang chờ sẵn, bởi vậy không thể giục họ chấm nhanh được. Thà chúng tôi bị phê bình vì chậm công bố kết quả còn hơn là đúng tiến độ mà gây thiệt thòi cho TS”.
Đối thoại gay gắt
Các trường đều có cùng quan điểm không chạy theo số lượng, điều quan trọng nhất là phải chấm thi thật cẩn thận, kết quả chấm phản ánh thật chính xác chất lượng bài làm của TS.
PGS Nguyễn Văn Kim kể: “Có những bài thi giám khảo phải tốn rất nhiều thời gian, thậm chí phải tranh luận gay gắt giữa 2 giám khảo của 2 vòng chấm vì chênh lệch điểm cũng là chuyện… bình thường. Đã xảy ra trường hợp, cùng một bài thi, giám khảo vòng một cho 7 điểm nhưng giám khảo vòng 2 chỉ chấm 5 điểm”. Với kinh nghiệm vài chục năm chấm thi môn sử, ông Kim cho biết bài thi các môn xã hội muôn hình vạn trạng, nhất là khi đề thi ra theo hướng “mở” và không phải lúc nào tinh thần “mở” ấy cũng thông suốt từ đề thi đến đáp án và hướng dẫn chấm thi của Bộ. “Có những ý các em làm rất hay, rất sáng tạo nhưng lại không hề trùng với đáp án. Khi đó, người chấm không thể bỏ qua mà phải cho điểm và phải đưa ra những lý lẽ thật thuyết phục với hội đồng chấm. Nói chung là luôn có sự phản biện trong suốt quá trình chấm thi”, ông Kim nói.
Với việc chấm trắc nghiệm, một trong trong những điều đáng lo ngại nhất là TS tô sai mã đề. Bà Hà Kim Anh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (ĐH Quốc gia Hà Nội), thông tin: “Các giám thị, hội đồng chấm được yêu cầu làm đúng quy trình như kiểm tra 2 mã đề (một bằng chữ và một tô theo ô tròn) trong bài làm của TS xem có khớp nhau không. Khi phát hiện hai mã đề không khớp nhau, hội đồng chấm cần kiểm tra lại và có thể cử 2 - 3 giáo viên chấm tay bài thi đó”.
-----------------------------------------------  

Chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Để thí sinh không rớt oan Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét