Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Cử nhân Trung Quốc chật vật tìm việc làm

Năm nay, Trung Quốc sẽ có con số kỷ lục 7 triệu sinh viên tốt nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc triển vọng tìm việc làm cho những cử nhân này rất u ám.

Các cử nhân Trung Quốc lo lắng tìm việc tại một hội chợ việc làm.

"Nhiều công ty không còn tiếp tục mở rộng kinh doanh. Rất nhiều bạn bè cùng lớp với tôi đã được tuyển dụng và sau đó bị sa thải chỉ trong vòng một tháng khi công ty không đủ khả năng trả lương cho họ", Yan Shuang - cử nhân chuyên ngành lao động và nguồn lực xã hội của Học viện Công nghệ Bắc Kinh - chia sẻ. Bản thân Yan hồi cuối năm 2012 đã được một công ty sản xuất trang phục thể thao hứa hẹn nhận vào làm. Tuy nhiên, đến tháng 3/2013, công ty này đã từ chối tuyển thêm người với lý do kinh tế suy thoái.

Số lượng sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần trong vòng một thập kỷ qua. Do nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất, đòi hỏi phải có một lực lượng lao động đông đảo là công nhân nên Trung Quốc đã lâm vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Theo một cuộc khảo sát tiến hành hồi cuối năm ngoái, 16% số người nhóm tuổi từ 21 - 25 có bằng đại học bị thất nghiệp trong khi con số này ở số người cùng nhóm tuổi chỉ có bằng sơ cấp là 4%. Lương của đội ngũ công nhân đến từ khu vực nông thôn đã tăng tới 70% trong vòng 4 năm qua, trong khi lương cho giới nhân viên văn phòng vẫn duy trì ở mức cũ, thậm chí còn giảm đi. Nhằm khắc phục hiện trạng này, Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 16/5 vừa qua đã lệnh cho các trường học, cơ quan và công ty nhà nước phải tăng cường tuyển dụng cử nhân mới ra trường.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,75% trong năm nay, thấp hơn mức tăng từ 10 - 14% giai đoạn trước năm 2008, nhưng vẫn cao hơn nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, vấn đề nan giải mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt là số lượng sinh viên tăng quá nhanh. Ở Mỹ chỉ có khoảng 3 triệu sinh viên tốt nghiệp/năm, trong khi số sinh viên tốt nghiệp hàng năm của Trung Quốc đã tăng hơn 5 triệu trong vòng một thập kỷ qua.

Rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học biết rằng cơ hội xin được việc làm rất khó khăn nên đã nộp đơn xin học nâng cao. Yan Yi, cử nhân chuyên ngành kinh tế ứng dụng tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh, cho biết do chưa tìm được việc làm nên anh đã quyết định học tiếp để lấy bằng thạc sĩ. "Hy vọng 2 năm tới kinh tế sẽ hồi phục, khi đó tôi cũng vừa tốt nghiệp cao học. Thà học thạc sĩ còn hơn là làm việc trong các công ty nhỏ, vì công việc ở các công ty này không bền lâu", Yan chia sẻ.

Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng vẫn có nhiều cơ hội tìm việc hơn, đặc biệt nếu họ không đặt tiêu chuẩn quá cao. Lin Yinbi, cử nhân ngành thương mại và kinh tế từ trường Đại học Renmin - một ngôi trường danh tiếng ở thủ đô Bắc Kinh - cho biết mặc dù đã nhận được lời mời về làm việc cho một công ty nổi tiếng và một chuỗi siêu thị nhưng anh vẫn nộp đơn xin việc tại một ngân hàng có mức lương hậu hĩ hơn. Lin nói: "Vấn đề là đó là công việc gì? Nó có phù hợp với ngành học của bạn không? Mức lương có tương xứng không và bạn có cơ hội để phát triển không?".

Một phương án, đã được chính phủ thông qua, là kêu gọi các sinh viên mới tốt nghiệp chấp nhận việc làm tại những công ty tư nhân có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết thế hệ trẻ Trung Quốc đều không mạo hiểm xin vào làm ở những công ty này cũng như không dám mở công ty riêng giữa bối cảnh tình hình kinh tế ảm đạm.

Phát thanh viên nổi tiếng Wang Zhian gợi ý rằng các cử nhân trẻ nên linh hoạt hơn trong vấn đề chọn việc làm. "Điều quan trọng nhất đối với các sinh viên mới tốt nghiệp là vạch ra con đường để tồn tại chứ không phải đợi cơ hội chọn một công việc như ý, bởi họ không thể sống bám vào cha mẹ mãi được", Wang chia sẻ.
-----------------------------------------------  

Cử nhân Trung Quốc chật vật tìm việc làm Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét