Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Lưu ý đến thời sự để đạt kết quả cao

Ngày mai 9.7, thí sinh các khối B, C, D và năng khiếu bước vào ngày thi chính thức. Đây là đợt thi có nhiều môn xã hội nên thí sinh cũng cần những lưu ý riêng.

Lưu ý đến thời sự để đạt kết quả cao
Hôm qua 7.7, đông đảo phụ huynh và thí sinh đến TP.HCM chuẩn bị tìm chỗ trọ, trường thi để hôm nay thí sinh làm thủ tục dự thi đợt 2
Khó và dễ hơn đợt 1
Thí sinh (TS) sẽ tiếp tục gặp lại môn tiếng Anh và hóa trong đề thi ĐH đợt 2. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đề thi các môn này ở đợt 2 sẽ khó hơn đợt 1. Do vậy, TS cần chuẩn bị trước tâm thế để có sự đối đầu tốt.
Bà Hà Thị Kim Liên, nhóm trưởng môn hóa khối 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), cho biết: “Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy môn hóa khối B luôn khó hơn ở khối A, vì ở khối B hóa là môn thi chính”. Bà Liên khuyên: “TS cần bám sát sách giáo khoa, chỉ cần học thật kỹ sách giáo khoa lớp 10 đến lớp 12 thì sẽ làm tốt bài thi, cần ôn kỹ lý thuyết. Đề thi vẫn là kiến thức trong sách giáo khoa nhưng sẽ là những câu tổng hợp. Với bài toán, TS cần chú ý dạng toán cơ bản”.
Với môn tiếng Anh, bà Lê Thị Thanh Xuân, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khuyên: “TS cần chuẩn bị tâm thế cho một đề thi môn tiếng Anh khối D1 sẽ không dễ như ở khối A1 vừa qua. Từ vựng sẽ rộng hơn, phần đọc hiểu cũng sẽ chuyên sâu và khó hơn”. Bà Xuân hướng dẫn: “Với những từ vựng quá lạ, không nên dừng lại lâu mà để đến cuối cùng có thể đoán. Tuy nhiên, TS vẫn có thể lấy điểm ở phần cấu trúc ngữ pháp vì đa phần cấu trúc này học sinh đã học ở lớp 12”.
Môn toán nhiều khả năng sẽ dễ hơn đợt 1. Theo thạc sĩ Phạm Hồng Danh, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, về cấu trúc đề thi, môn toán khối B, D vẫn khá giống khối A, A1 nhưng dễ hơn đợt 1. Ngoài ra, một số điểm đề thi đợt 1 chưa có nên TS cần chú ý. Cụ thể, đề toán đợt 1 ra hàm bậc 3 thì TS đợt này cần chú ý hàm bậc 4. Ở đợt 1 không có phương trình, bất phương trình chứa mũ và logarit thì cũng có thể có trong đề thi đợt 2.
Cách làm bài với đề thi theo hướng mở
 

Nhiều ngành thi năng khiếu
Trong đợt 2, có rất nhiều ngành học có môn năng khiếu. Mỗi ngành, mỗi trường lại có đặc thù riêng, cách thi riêng. Vì vậy, TS cần phải hết sức lưu ý.
Theo thạc sĩ Nguyễn Anh Trường, Khoa Sư phạm mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phần thi năng khiếu vào khoa này của trường sẽ gồm 2 môn nhạc và văn. Ở môn nhạc, TS sẽ hát một bài tự chọn được phép lưu hành (trừ cải lương, tuồng cổ, chèo, hò). Năm nay, trường đã loại bỏ phần thi thẩm âm, tiết tấu. Với môn văn, TS sẽ đọc diễn cảm một bài thơ, kể một câu chuyện. Môn năng khiếu của ngành sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn cũng thi hát, đọc diễn cảm, kể chuyện. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, TS thi khối ngành thể dục thể thao sẽ thi khối T, gồm các môn: toán, sinh, năng khiếu.

Ở môn ngữ văn, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM), phần về văn học, tác phẩm đọc hiểu, TS cần đọc kỹ và nhớ kỹ văn xuôi, tác phẩm tự sự, chi tiết, tình tiết, sự kiện, nhân vật, diễn biến tâm lý… Điểm quan trọng nhất là phải xác định được trọng điểm của câu hỏi để biết hướng đi. Những năm gần đây đề thi hay yêu cầu TS thể hiện kỹ năng toàn diện, sử dụng nhuần nhuyễn, nhận diện vấn đề, liên kết nhiều tác phẩm và yêu cầu có sự so sánh, đối chiếu. Vì vậy, TS phải làm bài có chiều sâu nhưng toàn diện, có khả năng phân tích, lý luận, hướng về trọng điểm. Câu nghị luận xã hội gần đây luôn có tính xã hội rất cao, gắn với vấn đề thực tiễn, gần gũi cuộc sống hay nói về đạo lý, có tính thời sự. Làm văn nghị luận xã hội cần hướng tới chuẩn mực về đạo lý mới đúng trọng tâm và yêu cầu của đề thi.
Về môn lịch sử, PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói: “Đề thi thuộc chương trình sách giáo khoa, chủ yếu lớp 12. Do vậy, để làm bài tốt TS cần nắm vững sự kiện cơ bản của chương trình. Tuy nhiên, những năm gần đây đề thi môn lịch sử được ra theo hướng mở chứ không chỉ kiểm tra kiến thức đơn thuần. Để làm tốt những câu này, TS phải đọc kỹ xem vấn đề cần hỏi là gì, tập trung thể hiện sự hiểu biết và nhận thức bản thân về vấn đề đó thay vì sự thuộc bài như câu hỏi thông thường”. Tiến sĩ Hồng nhấn mạnh: “Với dạng đề mở này, TS cần thể hiện được khả năng phân tích, tổng hợp, chứng minh đối chiếu vấn đề. Nếu cần thiết, TS đưa ra quan điểm cá nhân theo hướng tích cực sẽ để lại ấn tượng cao với người chấm”.
Ông Nguyễn Đăng Lợi, giáo viên môn địa lý Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), lưu ý đề thi môn địa thường mang tính cụ thể, đi sát diễn biến kinh tế - xã hội của đất nước. Một giáo viên có kinh nghiệm luyện thi môn này ở Trường THPT Nhân Việt lưu ý: “Nhiều TS đọc không kỹ đề, cứ nghĩ đề thi yêu cầu vấn đề này nhưng thật sự không phải vậy. Chẳng hạn đề thi môn địa lý ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua yêu cầu nêu sự hợp tác của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực về chính trị nhưng đa số học sinh lại nói về kinh tế”. Với môn này, cần lưu ý phần biểu đồ vì đề thi ĐH không nêu rõ vẽ biểu đồ dạng nào mà TS phải tự phán đoán. Đề thi địa lý những năm gần đây còn kết nối với tình hình xã hội trong nước, vì vậy TS nên lưu ý một số vấn đề có thể có trong đề thi như việc làm, biển đảo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở cửa hội nhập với các nước, giao thông vận tải…
Theo ông Trần Ngọc Danh, giáo viên môn sinh học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), những câu hỏi khó về môn sinh thường nằm ở phần chung, tập trung bài tập phần 1, 2, 3 chương cơ chế, quy luật di truyền, quần thể. Tuy nhiên sẽ không có nhiều câu khó. “Khi thi môn này, TS nên hệ thống hóa kiến thức để làm bài chứ không nên lao vào bài tập quá khó vì câu khó, câu dễ bằng điểm nhau. Làm được một câu khó mà bỏ qua 3-4 câu dễ thì cũng thành vô nghĩa”, ông Danh khuyên.
-----------------------------------------------  

Lưu ý đến thời sự để đạt kết quả cao Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét