Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Tấm lòng người cha... "sợ" con đỗ đại học

Khi hàng triệu thí sinh đang căng thẳng trong phòng thi thì ở bên ngoài, rất nhiều phụ huynh đang ngồi vạ vật dưới cái nắng như thiêu đốt để dõi mắt về phía trường thi. Ai cũng khát khao con sẽ đỗ đạt nhưng nhiều người không giấu nổi vẻ băn khoăn: Nhỡ may đỗ thì lấy tiền đâu cho con học?

Tấm lòng người cha... "sợ" con đỗ đại học 1
Ông Nguyên chở theo cả đồ đạc trên xe máy trong những ngày con đi thi để đỡ phiền người quen.
Chết cũng không cho con về quê làm ruộng
Sáng 4/7, trước cổng Học viện Hành chính Quốc gia có một người cha dáng khắc khổ, khoác chiếc áo bộ đội đã cũ, bó gối nhìn vào trường thi. Thi thoảng, ông quay sang hỏi người bên cạnh xem đã sắp hết giờ làm bài chưa. Hỏi tên, ông không nói nhưng cho biết, mang tiếng là “Hà Nội 2” nhưng nhà ông ở miền núi, giáp tỉnh Thái Nguyên, chỉ cần một trận mưa to, đường vào xã đã bị nước ngập lưng bánh xe. Vợ chồng ông đều là bộ đội phục viên, giờ về làm nghề nông. Những trận sốt rét rừng khi đóng quân ở Phong Thổ, Lai Châu đã khiến vợ chồng ông sức khỏe ngày càng yếu kém. Cả năm cày bừa 7 sào lúa đến đầu tắt mặt tối, thu nhập của vợ chồng chỉ khoảng 7 tạ /mùa. Trung bình, mỗi tháng vợ chồng ông cũng chỉ có khoảng 300.000 đồng. Vì gia đình không có tiền nên đứa con đầu chưa học hết cấp 2 đã phải đi làm thợ xây, công nhân, cửu vạn…
Ông cho biết, cô con gái út này, cả 12 năm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhà cách trường 12km, hàng ngày con gái phải đạp xe đi học từ 5h sáng. “Trưa về ăn vội bát cơm, 1h kém cháu nó lại lóc cóc đạp xe đi học. Nói thật, tôi làm nông nhưng chưa khổ bằng con. Trưa nắng chang chang hoặc rét buốt, tôi đều được ngả lưng trong nhà, còn cháu nó phải đạp xe đi học xa nhưng nó không bỏ buổi nào và cố gắng học giỏi. Trong khi cả xã, các cháu chỉ dám thi vào trường nông lâm nghiệp hoặc CĐ Sư phạm thì con gái quyết định thi vào Học viện Hành chính Quốc gia làm tôi lo tái cả mặt. Thôi thì tôi “đánh bạc” để con đỡ tủi thân, vừa gọi là mở mặt với bà con lối xóm. Vì thế, tôi quyết định “bài binh bố trận”. Phương án 1, tôi cho con gái thi nguyện vọng 1 ở Hà Nội. Phương án 2, con tôi sẽ chọn trường thấp điểm hơn một chút là ĐH Sư phạm Thái Nguyên để vào nguyện vọng 2. Và đợt thi thứ 3, tôi cho cháu thi tiếp CĐ Sư phạm. Kiểu gì cũng phải cho con thi. Dù chết, tôi cũng không cho con về quê làm ruộng”, ông tâm sự.
Trước ngày đưa con đi thi, ông phải bán con lợn duy nhất trong chuồng được khoảng 2 triệu đồng. Ông bảo, mặc dù chưa trả tiền cám cho đại lý nhưng ông cũng phải ôm hết tiền cho con đi thi cái đã, sau đó về tính. Hai cha con ông đi xe buýt từ quê ra và thuê trọ ở gần trường thi. Buổi sáng, cha con lót dạ một chiếc bánh mì, không dám bước vào quán phở vì sợ bị “chặt chém”. Ngồi ngoài trường thi, ông nhẩm tính, nếu “nhỡ may” con gái út đỗ đại học, một là ông sẽ xin thêm tiền các con; hai là sẽ nuôi thêm con lợn con gà; ba là nhờ Hội Cựu chiến binh xã hoặc vay vốn ưu đãi cho con đi học.
Đi thi với 3 tạ lúa
Trên chiếc xe máy cà tàng, lủng lẳng nào túi xách, áo mưa, bi đông nước… ông Đỗ Sỹ Nguyên (quê Phú Thọ) cũng đang quần xắn móng lợn, đội nắng chờ con trước điểm thi. Dưới chân ông, đôi dép tổ ong vá chằng vá đụp. Con gái út của ông năm nay thi vào ĐH Thương mại. Ông Nguyên cho biết, gia đình mình làm nghề nông. Bản thân ông là bộ đội phục viên, sức khỏe yếu. Vợ ông vừa mổ bướu cổ, hết 15 triệu đồng. Nhà có đồng nào, vợ chồng ông phải vét sạch, ngoài ra còn vay thêm tiền để trả nợ phẫu thuật cho ca mổ. Gia đình ông có 3 sào ruộng, số thóc làm ra, cộng với chi phí phân bón, cày bừa… bây giờ coi như lỗ. Hàng ngày, vợ chồng ông làm mấy mẹt rau dưa ở chợ kiếm thêm. Vợ lại đang ốm đau nên lúc đầu, ông tính không cho con đi thi vì nhỡ sau này cháu đỗ rồi lại không lo đủ tiền học. Thế nhưng con gái cứ khóc xin được đi thi. Thương con, thế là ông tặc lưỡi bán 3 tạ lúa, được gần 2 triệu đồng đưa con về Hà Nội dự thi.
Tại Thủ đô, bố con ông Nguyên ở nhờ nhà người quen đang thuê trọ để chạy thận ở Bệnh viện E. Mỗi bữa, bố con ông làm 2 suất cơm bụi, tổng cộng khoảng 40.000 đồng. Vì người quen cũng đang bệnh tật nên để đỡ phiền hà, lúc đưa con đến trường thi, ông chở theo cả đồ đạc lỉnh kỉnh trên xe máy. Ông Nguyên tâm sự: “Cháu nó 12 năm đều đạt học sinh tiên tiến, nhưng nếu thi không đỗ đành phải cho con ở nhà làm công nhân chứ chẳng còn tiền ôn thi tiếp. Nếu may mắn cháu đỗ vào trường nào đó, quả thật là vui nhưng rồi lại lo ngay ngáy đến cả 5 năm sau. Dù vậy, có phải làm thuê làm mướn thêm, chúng tôi vẫn cầu mong con đỗ đạt”. 
-----------------------------------------------  

Tấm lòng người cha... "sợ" con đỗ đại học Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét