Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Trường quốc tế - chất lượng đào tạo còn thấp

TP.HCM hiện có 34 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài (gọi chung là trường phổ thông quốc tế), chiếm trên 40% tổng số trường phổ thông quốc tế của cả nước. Mức học phí lên đến 24.000 USD/năm. Tuy nhiên, nhiều trường có cơ sở vật chất yếu kém, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa tương xứng với mức học phí và đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Một giờ học tại Trường quốc tế Việt - Úc tại TP.HCM.
Theo thống kê của Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM, năm học 2012-2013, các trường phổ thông quốc tế tại Thành phố có tổng số 12.883 học sinh, tăng 647 học sinh so với năm học 2011-2012, trong đó có 4.876 học sinh Việt Nam, chiếm 39,7%. Tổng số giáo viên là 1.392, trong đó số lượng giáo viên nước ngoài là 966 giáo viên và 271 giáo viên Việt Nam. Sĩ số trong mỗi lớp bình quân dưới 20 học sinh, chương trình nhẹ nhàng ít môn (thường chỉ có 6 môn).
Việt Nam đang trong thời kì hội nhập, các trường quốc tế tạo thêm sự phong phú trong lĩnh vực giáo dục, đáp ứng được yêu cầu của một bộ phận người dân và người nước ngoài đang công tác, kinh doanh tại TP.HCM có nguyện vọng cho con được học tại các trường có sử dụng chương trình nước ngoài. Đồng thời, tạo cơ hội cho giáo dục TP.HCM cơ hội giao lưu, trao đổi và tiếp nhận hiểu biết thêm về các mô hình giáo dục, phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại và quản lí giáo dục khoa học.
Các trường phổ thông quốc tế được phép thí điểm đào tạo học sinh Việt Nam theo các yêu cầu của giấy phép do Bộ GD-ĐT cấp. Các trường phải giảng dạy thêm các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí theo quy định chương trình của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, một số cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận đã quảng cáo sai mục tiêu, chức năng được xác định trong giấy chứng nhận đầu tư. Việc thực hiện giảng dạy chương trình Việt Nam cho học sinh Việt Nam tại một số trường chưa được thực hiện nghiêm túc như: Không dạy đủ số tiết quy định, không dạy đủ nội dung và số môn học theo quy định và chỉ quan tâm thực hiện chương trình nước ngoài  nên hầu hết các trường không chú trọng đầu tư đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học dẫn đến chất lượng thấp.
Bên cạnh đó, các trường phổ thông quốc tế đều ít quan tâm giáo dục học sinh văn hóa truyền thống Việt Nam, thường không tổ chức chào cờ và hát Quốc ca Việt Nam hàng tuần, không có tổ chức Đoàn, Đội. Một bộ phận không nhỏ phụ huynh học sinh không quan tâm đến vấn đề sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của con em mà chỉ quan tâm đến học ngoại ngữ và chương trình nước ngoài.
Bên cạnh những trường có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại đáp ứng được yêu cầu dạy và học vẫn còn một số trường cơ sở vật chất thuê mướn chật chội, giáo viên thiếu ổn định và không đồng đều, học phí cao, chất lượng đào tạo thấp… dẫn đến việc một số học sinh phải xin về học lại tại các trường phổ thông giảng dạy chương trình Việt Nam. Trong khi học phí khá cao, ở bậc trung học từ 6.600 USD đến 24.000 USD/năm.
Chị Đỗ Lam Giang, ngụ tại quận Bình Thạnh chia sẻ: “Sau 3 năm cho con học trường quốc tế C.A.TBD, tôi thấy trình độ tiếng Việt, toán của con trai nhàng nhàng, còn tiếng Anh không có gì nổi trội. Vì vậy, hết giờ học ở trường quốc tế, tôi lại chở con học thêm toán, tiếng Việt và tiếng Anh ở bên ngoài. Hai vợ chồng tôi đang phân vân trước quyết định cho con học tiếp trường dân lập quốc tế hay quay về trường công”.
Không thể phủ nhận sự đóng góp của hệ thống trường có yếu tố nước ngoài ở TP.HCM đối với sự nghiệp giáo dục trong thời gian qua. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải làm rõ danh xưng, chất lượng đào tạo của trường mang tên quốc tế có đúng với nội dung quảng cáo hay không.
Giải thích tình trạng loạn trường gắn mác quốc tế, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, từ năm 2006, Sở đã thành lập ban quản lý các trường có yếu tố nước ngoài, nhưng Sở chỉ có thể kiểm tra việc dạy chương trình tiếng Việt theo quy định (3 môn văn, sử, địa) thôi. Còn họ dạy chương trình quốc tế có đúng như nội dung cấp phép hay không thì… không thể. Mặt khác, các văn bản pháp lí liên quan đến việc quản lí các trường quốc tế còn thiếu, chưa cụ thể, đôi khi còn rất khác nhau gây khó khăn cho việc quản lí các trường này. Các thành viên trong Ban quản lí các trường quốc tế còn mang tính kiêm nhiệm nên chưa tập trung cho công tác quản lí.
-----------------------------------------------  

Trường quốc tế - chất lượng đào tạo còn thấp Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét