Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Giảm áp lực, tăng nỗi lo

Ngày 4-6, sau ba ngày thi, gần một triệu thí sinh (TS) trên cả nước đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 trong tâm trạng khá phấn khởi. Theo đánh giá chung của Ban Chỉ đạo thi quốc gia (Bộ GD-ĐT), kỳ thi đã kết thúc trong trật tự, an toàn.


Số liệu thống kê vi phạm của cả giám thị và TS trên cả nước đều giảm, song tình hình thực tế tại các hội đồng coi thi (HĐCT) ở nhiều địa phương được dư luận phản ánh những ngày qua lại khiến những người quan tâm đến giáo dục không khỏi lo lắng.
Niềm vui của các thí sinh sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Viết Thành
Trao quyền tự chủ: Mọi khâu đều "dễ thở"

Trong năm đầu tiên Bộ GD-ĐT trao quyền tự chủ cho địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 quy định quan trọng từng được áp dụng trong các kỳ thi trước đó đã được bãi bỏ, gồm tổ chức thi theo cụm trường, chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương và tổ chức lực lượng thanh tra ủy quyền giám sát các khâu, từ in sao đề thi, coi thi đến chấm thi tại các địa phương. Phương án này đã được Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận cao.

Được chủ động lựa chọn hình thức tổ chức thi (có thể theo cụm trường hoặc trường đơn lẻ) cho phù hợp với địa bàn đã giúp các địa phương bớt đi nhiều việc, nhất là lo kinh phí và triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn về mọi mặt cho TS và người nhà ở những địa điểm thi xa. Ban giám hiệu các trường cũng không còn ngay ngáy nỗi lo tìm chỗ ăn, nghỉ cho TS và giám thị từ nơi xa đến. Tại các HĐCT ở nhiều huyện xa như Ba Vì, Thạch Thất... không còn cảnh phụ huynh lỉnh kỉnh đồ đạc, quần áo, sách vở để lo 3 ngày thi cho con.

Không phải chấm chéo, các địa phương nhẹ gánh nỗi lo bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển bài thi tự luận đến cho các tỉnh bạn. Sự điều chỉnh này được hầu hết địa phương, nhất là những TP lớn, có số lượng TS dự thi đông như Hà Nội cho rằng phù hợp. Kế hoạch chấm thi, công bố kết quả và việc xử lý các vấn đề sau chấm thi cũng sẽ được triển khai chủ động hơn và sẽ không còn cảnh sốt ruột chờ kết quả chấm thi, phúc khảo từ tỉnh bạn gửi về để TS làm thủ tục dự thi ĐH, CĐ.

Theo khẳng định của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, công tác tổ chức thi đã được thực hiện nghiêm túc, không gây căng thẳng và tạo được sự công bằng. Thi cử đã dần trở thành việc bình thường, không còn cảnh người dân chen lấn, gây lộn xộn phía ngoài khu vực thi. Trên địa bàn cả nước, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá, kỷ cương kỳ thi tiếp tục được chấn chỉnh. Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho địa phương, ngoài việc tạo thuận lợi cho cơ sở còn nhằm phát huy trách nhiệm, sự sáng tạo của ngành GD-ĐT các tỉnh, thành.
Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp.
Ảnh: Viết Thành
Nghiêm túc… chưa tuyệt đối?

Với những gì diễn ra trong kỳ thi vừa qua, dù chưa chấm bài, song theo dự đoán kết quả thi chắc chắn sẽ khiến các TS ở khắp các địa phương phấn khởi. Mối lo kết quả tốt nghiệp của các địa phương trở về vạch xuất phát trước khi triển khai "hai không" đang dần hiện hữu bởi đề thi dễ hơn, coi thi lỏng hơn, sự giám sát của các lực lượng xã hội giảm đi…

Tại cuộc họp báo được tổ chức chiều 4-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc phân cấp cho cơ sở là để quản lý tốt hơn, chứ không phải là buông lỏng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận, còn tình trạng nơi này, nơi kia chưa chặt chẽ, chưa đạt được sự nghiêm túc tuyệt đối. Vị "chỉ huy trưởng" của kỳ thi lạc quan: Thực trạng này chỉ là tạm thời, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đồng thời nhiều giải pháp để kết quả kỳ thi phản ánh đúng chất lượng dạy và học, bao gồm đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, điều chỉnh nội dung chương trình… Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, khi phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng giáo dục ở địa phương, những người đứng đầu ngành sẽ phải trả lời lãnh đạo, người dân nơi đó nếu kết quả thi không tương ứng với chất lượng dạy học.

Nhiều ý kiến cho rằng, năm nay, cùng với trao quyền tự chủ, Bộ GD-ĐT phải thắt chặt khâu hậu kiểm. Sau chấm thi, nếu có bất thường phải rà soát và chấm lại. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định sẽ áp dụng triệt để giải pháp này. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, Bộ GD-ĐT đã từng tuyên bố chấm lại ở những địa phương có kết quả thi bất thường nhưng không thấy địa phương nào có dấu hiệu tiêu cực trong chấm thi bị xử lý nghiêm. Bởi thế, những nỗi lo sau một kỳ thi có nhiều điểm mới trong tổ chức thi là hoàn toàn có cơ sở.

Giảm áp lực, tăng nỗi lo Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét