Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Nghịch lý?

Nghịch cảnh:  hàng trăm học sinh phải chen chúc nhau trong những giờ ra chơi và một bên là một số ít người đang chơi tennis! Rất may có những lãnh đạo có tâm, có tầm và biết đặt lợi ích của người dân lên trên!
Bức thư của một bạn trẻ tự xưng là du học sinh Nhật Bản tại Việt Nam đang gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày qua. Tuy có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau về nội dung bức thư.

Tháng Ba này, thầy trò trường THCS Sào Nam, TP. Đà Nẵng đã có một cơ ngơi để dạy và học

Song có một điều không thể phủ nhận tác giả của bức thư đã thuyết phục được người đọc khi thông qua hình ảnh một cậu bé con nhà nghèo - biểu trưng hình ảnh đất nước Nhật nghèo tài nguyên, khắc nghiệt về thiên nhiên và cũng trải qua cảnh hoang tàn sau chiến tranh so sánh với một cậu bé con nhà giàu – biểu trưng đất nước Việt Nam “giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu văn hóa” nhưng đang phải đối mặt với đói nghèo và bao vấn nạn xã hội. Phải chăng đây là một nghịch lý?
Nhân sự việc này, lại nhớ đến sự kiện đang gây bức xúc trong dư luận. Đó là việc ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đăng đàn trả lời các câu hỏi tại phiên điều trần trước Thường vụ Quốc hội mới đây về kinh phí tổ chức Asiad 2019. Nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra hoài nghi con số 150 triệu USD kinh phí “đủ tổ chức Asiad” do ông bộ trưởng đưa ra.
Hãy khoan phân tích các dữ liệu liên quan đến kinh phí tổ chức. Đã có không ít ý kiến cho rằng đất nước ta còn nghèo, nền kinh tế đang trải qua thời điểm cực kỳ khó khăn. Việc tổ chức Asiad là không cần thiết và xa xỉ? Nhiều người dân lại thở dài mà ước.
Giá như trước khi lên đường đến Macao để dự phiên họp toàn thể Hội đồng Olympic châu Á (OCA), nếu ông bộ trưởng nhìn thấy cảnh các cô giáo và học sinh ở huyện Nậm Pồ, Điện Biên phải chui vào túi nylon để qua suối mỗi khi đến trường học hay cảnh bốn năm bệnh nhân phải vất vả chen chúc nhau trên một giường bệnh, hẳn ông bộ trưởng sẽ không đủ can đảm để hăng hái vui mừng khi đón nhận được kết quả giành quyền đăng cai kỳ Asiad 2019? Phải chăng đây cũng là một nghịch lý?
Những ngày tháng Ba này, thầy trò trường THCS Sào Nam, TP. Đà Nẵng đã có một cơ ngơi để dạy và học khá khang trang. Không những trường vừa được đầu tư xây mới thêm một số phòng học, mà điều đặc biệt là sân trường đã được mở rộng gấp đôi diện tích cũ để các em học sinh có chỗ vui chơi sau những giờ học.
 Còn nhớ câu chuyện nghịch lý liên quan đến ngôi trường này đã được nhiều báo nêu ra và tạo nên sức ép dư luận đối với chính quyền địa phương. Đó là việc một sân chơi tennis của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Hải Châu, nằm sát vách với ngôi trường. Cùng một diện tích như nhau, nhưng một bên là hàng trăm học sinh phải chen chúc nhau trong những giờ ra chơi và một bên là một số ít người mà chủ yếu là cán bộ đang chơi tennis?
Nghịch cảnh này, sau khi được dư luận lên tiếng, rất may đã được chính quyền tiếp thu. Và bằng chứng là trong tháng Ba này, ngôi trường đã có một diện mạo mới khi sân tennis đã nhường chỗ cho sân trường được xây mới và mở rộng.
Đành rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, song việc loại bỏ những nghịch lý cũng giống như việc đập phá cái sân tennis kia thật không dễ dàng, nếu không có những lãnh đạo có tâm, có tầm và biết đặt lợi ích của người dân lên trên.

Nghịch lý? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét