Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

An toàn trường học tại TP.HCM: Mất bò mới lo làm chuồng?

Học sinh chết đuối ngay trong buổi đầu học bơi tại trường, học sinh “mất tích” ngay trong nhà vệ sinh của trường học… chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khiến vấn đề an ninh trường học càng trở nên “nóng”.
Cuối giờ học ngày 5.3, trong lúc đi vệ sinh, em Nguyễn Huỳnh A.T, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Kỳ Đồng, Q.3 gặp một người đàn ông lạ mặt đến bắt chuyện và dụ dỗ cho T. ăn kẹo. Theo lời T. kể, ăn xong thì em mơ màng và bị người này đưa đi bằng xem máy. Một lúc sau T. giật mình khi thấy đang ngồi trên xe người lạ, tranh thủ lúc dừng đèn đỏ, T. đã nhảy khỏi xe, vừa chạy vừa khóc đến cổng một khách sạn và được hai bảo vệ ở đây giúp đỡ, gọi điện cho người nhà đến đón.
Vấn đề đặt ra ở đây là kẻ xấu vào tận trong nhà vệ sinh của trường học, dụ dỗ học sinh từ bên trong trường mà các cô giáo cũng như bảo vệ không hề biết gì, cho đến khi mẹ của T. đến đón, không thấy con trong lớp mới tá hỏa đi tìm.
Mới đây nhất là cái chết của một học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Quang Khải (Q. Tân Phú) ngay trong giờ học bơi đầu tiên do nhà trường tổ chức đã gây hoang mang cho nhiều phụ huynh. Phụ huynh lo lắng cho tính mạng của con mình khi hầu hết các buổi học bơi chỉ có vài thầy cô giáo trông chừng cả trăm học sinh, như chị T.L, một phụ huynh đã phát biểu: “Không đi học bơi thì sợ con đuối nước, giờ lại sợ con đuối nước ngay trong giờ học bơi ở trường”.
Điều đáng nói ở đây là chỉ sau khi có sự việc xảy ra thì các trường, sở mới tìm cách khắc phục, các biện pháp bảo vệ, phòng tránh mới được quan tâm. Sau vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng, nhà trường đã tăng cường thêm đội ngũ giáo viên, bảo mẫu trong giờ tan học, học sinh đi vệ sinh cũng phải có giáo viên đi cùng. Và sau cái chết thương tâm của em học sinh tại bể bơi, Sở GDĐT TP mới ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động dạy bơi ở trường học như học sinh mới bơi lần đầu phải được trang bị áo phao, mỗi giáo viên giám sát một học sinh…
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM nhấn mạnh, vấn đề trật tự, an toàn trường học đang rất được quan tâm và công tác an ninh trường học sẽ được siết chặt hơn nữa.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác Học sinh - Sinh viên (Sở GDĐT TP.HCM) cho biết, vụ việc tại Trường Kỳ Đồng đang được điều tra làm rõ, tuy nhiên, toàn ngành sẽ siết chặt hơn nữa công tác quản lý, đảm bảo tuyệt đối sự an toàn trong quá trình giao nhận trẻ, tăng cường công tác bảo vệ, đặc biệt vào giờ tan trường. 
Bắt đầu từ tháng 4, Sở GDĐT TP.HCM phối hợp với phòng nghiệp vụ, Công an TP.HCM tổ chức các lớp tập huấn cho tất cả bảo vệ các trường học trên địa bàn thành phố, xoay quanh việc trang bị kiến thức cho bảo vệ như xác định trách nhiệm của mình đến đâu, được trang bị các loại công cụ hỗ trợ gì, phương pháp xác định kẻ gian, phối hợp, ứng phó trong tình huống nguy hiểm, khẩn cấp như thế nào, tiến đến yêu cầu chuyên nghiệp hóa hoạt động của lực lượng này.
Hiện nay do hạn chế về mặt ngân sách, các trường chỉ có biên chế từ 2-4 bảo vệ, tùy thuộc vào tính chất, quy mô tổ chức của từng trường. Một vài nơi có địa bàn rộng lớn, phức tạp, hiệu trưởng phải chủ động hợp đồng thêm nhân viên bảo vệ, đặc biệt tăng cường vào giờ tan tầm để đảm bảo an toàn cho học sinh. Khi có sự cố xảy ra, giáo viên phải là người chịu trách nhiệm chính trong phạm vi lớp học do mình quản lý.
Bên cạnh đó, các trường phải chú ý đến công tác rèn luyện kỹ năng, ứng phó với các sự cố cho các em như cách nhận biết kẻ xấu, đề phòng giao tiếp với người lạ, cách tự bảo vệ bản thân...
Mới đây, Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu các Sở GDĐT tăng cường công tác bảo vệ an ninh, trật tự trường học, theo dõi, phát hiện để phối hợp xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến học sinh trong trường học và khu vực lân cận... Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương và phụ huynh học sinh tăng cường các biện pháp nhằm bảo an toàn cho học sinh trên đường đi học, tham gia các hoạt động giáo dục ở ngoài nhà trường.

An toàn trường học tại TP.HCM: Mất bò mới lo làm chuồng? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét