Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Cựu giáo chức hiến kế đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT

Sáng nay (24/5), Bộ GD&ĐT, Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã có buổi làm việc với nội dung đóng góp ý kiến tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dự và phát biểu tại buổi làm việc.
Các cựu giáo chức đóng góp ý kiến
Các cựu giáo chức đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Khẳng định sự nghiệp giáo dục của nhân dân ta trong hơn nửa thế kỷ qua dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành quả vĩ đại chưa từng có trong lịch sử 4 ngàn năm, đã góp phần quyết định vào chiến thắng của hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng thời đang góp phần to lớn vào những thành công quan trọng bước đầu của công cuộc đổi mới hiện nay, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, nền giáo dục đã bộc lộ những bất cập và yếu kém.

Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, các đại biểu đều nhấn mạnh, cần phải thấm nhuần và thực hiện tốt quan điểm của Đảng và Nhà nước: “Coi giáo dục là quốc sách hàng đầu” ở lãnh đạo các cấp và trong toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức ĐHQG Hà Nội Bùi Hiền cho rằng, cần đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo hiện hành, song song đó, phải thay đổi cả nội dung, phương pháp và quản lý giáo dục trên cơ sở kế thừa những bài học kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới. Việc đổi  mới nội dung giáo dục phải tuân theo các nguyên tắc: nguyên tắc tương đối toàn diện, nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc hiện đại, nguyên tắc phù hợp với thực tiễn Việt Nam và nguyên tắc phân hóa. Về đổi mới phương pháp cần lưu ý vận dụng sáng tạo và phát huy cao độ một số phương pháp cơ bản như: phương pháp tích cực sáng tạo, phương pháp lồng ghép tích hợp, phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn, phương pháp học đi đôi với hành, phương pháp giáo dục phát triển. Về đổi mới quản lý giáo dục: đổi mới và kiện toàn đội ngũ quản lý giáo dục, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và đổi mới chính sách đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố Hà Nội Nguyễn Quang La, vấn đề số một là xây dựng chương trình, sách giáo khoa, từ đó mới thấy được yêu cầu về giáo viên, vấn đề cơ sở vật chất...

Nhận định Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT giai đoạn 2011-2016 đã đề cập đến nhiều vấn đề cấp bách cần phải làm, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng nhấn mạnh, việc thực hiện 32 nhiệm vụ cơ bản của Chương trình hành động này cũng là một bước thiết thực để hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết nổi lên 7 vấn đề lớn, đó là: xung quanh vấn đề triết lý giáo dục; vị thế, đãi ngộ, phát triển đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, những người làm giáo dục; hệ thống giáo dục; mục tiêu đào tạo; vấn đề đầu tư giáo dục; miễn phí giáo dục DTTS và vấn đề liên quan đến các cấp học.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của các cựu giáo chức, đồng thời hy vọng sẽ tiếp tục nhận được thêm những ý kiến quý báu khác để tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Cựu giáo chức hiến kế đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét