Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Giáo dục đang bị chính ‘thói dối trá’ chi phối

Đề cao tính trung thực bằng đề thi văn về “Thói dối trá” trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2012 nhưng chính ngành giáo dục lại đang trở thành nạn nhân cho vấn nạn này bởi áp lực không đáng có từ căn bệnh thành tích.

Sự kiện một học sinh lớp 12 trường PTTH Đồi Ngô (Bắc Giang) công bố clip quay lại tình trạng thi cử bát nháo tại phòng thi cùng với sự “giúp đỡ” nhiệt tình từ các giáo viên của trường bằng cách ném phao, pho to đáp án cho học sinh chép bài đã tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi trong cộng đồng bạn đọc VnExpress.
Sự kiện này thu hút nhiều luồng ý kiến từ bạn đọc. Nhóm bạn đọc ủng hộ việc làm của em học sinh trên cho đây là một hành động dũng cảm, đáng biểu dương. Trong lúc cả xã hội đang lên án mạnh mẽ sự suy thoái đạo đức diễn ra dưới nhiều hình thức thì việc làm này thể hiện tính "đấu tranh" khi can đảm tố giác những việc làm sai trái.
Hiện tượng quay cóp, gian lận trong thi cử không còn quá xa lạ trong những năm gần đây nhưng mức độ “quá trớn” như những gì đang diễn ra tại hội đồng thi trường Đồi Ngô đã vượt xa sự hình dung của mọi người.
Điều đáng nói ở đây chính là việc các giáo viên coi thi và giám thị đã chủ động “giúp” học sinh bằng chính những điều mà ngành giáo dục lên án: gian lận trong học tập.
Bạn đọc Nguyễn Quốc Việt bày tỏ sự thất vọng với những người làm giáo dục như trên: “Đề thi Văn bàn về sự "dối trá"nhưng dối trá hiện hữu ngay trong ngành Giáo dục”.
Ngạc nhiên, lên án, tức giận, phẫn nộ về mức độ thi cử bát nháo tại trường Đồi Ngô bao nhiêu thì số đông bạn đọc ủng hộ cũng cho rằng phải xem việc phát giác ra hiện tượng đáng buồn trên là việc “đáng mừng”, bởi lẽ thông qua clip này mới biết được trực trạng dường như trở thành “căn bệnh ung thư” của ngành giáo dục: bệnh thành tích đang phổ biến ở cấp độ thực sự báo động.
Cũng từ đây, luồng ý kiến tranh luận về “công và tội” của em học sinh được nhiều bạn đọc phân tích. Những bạn đọc cho rằng em học sinh này cũng có tội khi vi phạm quy chế thi cử. Việc em có thể mang thiết bị điện tử có khả năng quay bài như trên rõ ràng là sai, vậy thì em cũng phải bị xử lý theo quy định chung.
Những câu hỏi khác cũng được nhóm bạn đọc này đặt ra: Bản thân em dù có tố giác sai phạm của thầy cô tại trường nhưng liệu em có sử dụng phao không? Mục đích của việc em ghi lại và công bố những hình ảnh phản cảm trong thi cử này là gì? Tại sao em lại không công bố clip ngay sau môn thi đầu tiên?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản bác lại quan điểm trên cho rằng: “Chúng ta dạy học sinh phải chống tiêu cực, phải thế này thế nọ. Vậy mà lại coi người tố giác là vi phạm quy chế thi. Nếu không không quay lén thì nói miệng liệu có ai tin và vào cuộc xử lý không?”.
Ủng hộ thêm cho quan điểm này là những ý kiến cho rằng nếu không tố giác sự tiêu cực thì bằng tốt nghiệp phổ thông có giá trị gì nữa khi học sinh nào cũng có kết quả “cào bằng” như nhau?
Đây quả thật là “bài toán khó” và “để giải quyết vụ việc này một cách hợp tình hợp lý” theo bạn đọc Trần Anh Quang sẽ là điều cần cân nhắc thật kỹ.
Đứng ở góc nhìn khác, một số bạn đọc cho rằng hãy xem xét một cách khách quan về hành vi sai trái của các thầy cô giáo. Thực chất kỳ thi tốt nghiệp hằng năm với 6 môn thi là quá nhiều với các em học sinh, trong khi ngay sau đó là kỳ thi Đại học đầy vất vả đang chờ đón và đó mới thực sự là kỳ thi quan trọng, quyết định tương lai của các em.
Và nếu thực sự việc thi tốt nghiệp chỉ để đánh giá việc kết thúc một quá trình học tập thời học sinh thì có cần thiết phải tổ chức thi với rất nhiều tốn kém cả về thời gian, vật chất và công sức của các em, gia đình và xã hội như thế không?
Hiện tượng này một lần nữa phơi bày “căn bệnh thành tích” rất khó xóa bỏ khỏi tiềm thức của ngành giáo dục. Chắc chắn kết quả tốt nghiệp của trường PTTH Đồi Ngô sẽ rất cao nếu không ai biết sự thật về tình trạng thi cử này.
Nhiều bạn đọc đã tự hỏi, những con số thống kê hằng năm về tỷ lệ đậu tốt nghiệp của địa phương nào cũng đều từ 90% phản ánh thực chất bao nhiêu sự thật về thực lực của học sinh hiện nay?
Vụ việc gian lận thi cử tại trường Đồi Ngô phác họa một bức tranh xấu trong kỳ thi tốt nghiệp ở một cơ sở nhưng từ đó đem đến những liên tưởng xa hơn khi nhìn lại về thực trạng giáo dục thời gian qua.
Những báo cáo đẹp về tỷ lệ tốt nghiệp cao của các tỉnh thành đem lại sự hoan hỷ đối với ngành giáo dục nhưng còn đối với các em học sinh vượt qua kỳ thi bằng cách dối trá này thì liệu các em sẽ bước vào đời với hành trang gì và quan niệm gì về sự trung thực?
Và điều quan trọng nhất được hầu hết bạn đọc quan tâm là Bộ giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý vụ việc này như thế nào?!

Giáo dục đang bị chính ‘thói dối trá’ chi phối Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét