Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Phải làm sao cho học sinh “không muốn, không dám và không thể” tiêu cực

Sau khi trên Báo Năng lượng Mới số 132, đăng bài “Nên hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT”, chúng tôi đã nhận được nhiều hồi âm của bạn đọc luận bàn về vấn đề này, trong đó đặc biệt là quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD&ĐT), một trong những Sở có địa bàn quản lý lớn nhất toàn quốc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc, đồng thời là người phát ngôn của Sở GD&ĐT Hà Nội để làm rõ hơn quan điểm này.

PV: Người ta nói: “Sự kiện Đồi Ngô” thực ra là trường hợp “bị lộ”. Còn lại những nơi khác là chưa “bị lộ” mà thôi. Thưa ông, với tư cách là một trong những vị lãnh đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có 98,24% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, trong khi tỉ lệ này năm 2011 là 97,79%. Ở khối giáo dục thường xuyên, có 92,15% học viên đỗ tốt nghiệp, thấp hơn gần 5% so với năm ngoái. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp loại khá và loại giỏi trong tổng số học sinh dự thi năm nay chiếm 24,16%, cao hơn năm ngoái 5%. Trong đó, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp loại giỏi chiếm 3,7% (tỉ lệ này năm ngoái là hơn 2%). Như vậy, kể từ khi hợp nhất, tỉ lệ tốt nghiệp lần lượt là 88,28% (2008-2009); 94,63% (2009-2010); 97,79% (2010-2011). Đây là kết quả ổn định của Hà Nội sau 4 năm mở rộng địa giới hành chính. Và chính điều này cũng góp phần phản ánh thực chất việc dạy và học của ngành giáo dục thủ đô. Nhiều người còn băn khoăn về tỉ lệ tốt nghiệp đó. Nhưng theo ý kiến nhận xét của nhiều giáo viên và học sinh thì đề thi năm nay bám sát chương trình, chỉ cần học lực trung bình cũng có thể làm được bài. Cho nên tỉ lệ tốt nghiệp THPT của Hà Nội là đáng tin cậy chứ không phải bỗng nhiên trong phút chốc cao như vậy. Còn từ vụ việc ở “Đồi Ngô”, một số ý kiến lại quy chiếu cho những địa phương khác cũng vậy để chạy theo thành tích… thì tôi nghĩ rằng không chính xác. Nếu quy chiếu như vậy thì đối với khối giáo dục thường xuyên ở chính những địa phương đó, tỉ lệ tốt nghiệp THPT còn thấp, ta sẽ giải thích như thế nào…
PV: …Nghĩa là so với các khối giáo dục khác, tỉ lệ tốt nghiệp THPT ở khối giáo dục thường xuyên còn thấp mà nếu vì thành tích, tiêu cực thì ngay ở khối này, người ta cũng phải “nâng” tỉ lệ tốt nghiệp lên bằng mọi cách?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Đúng rồi. Việc ở trường THPT Dân lập Đồi Ngô không thể là trường hợp để có thể “khái quát” toàn bộ ngành giáo dục được.
PV: Nhưng thưa ông, sở dĩ có ý kiến quy chiếu như vậy cũng là do đã từng có “sự kiện” tương tự ở Hà Tây (nay đã sáp nhập về Hà Nội) gắn liền với tên tuổi thầy giáo Đỗ Việt Khoa?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Sự kiện ấy đã qua đi và ngay sau khi hợp nhất, ngành giáo dục Hà Nội đã rút kinh nghiệm sâu sắc cũng như quán triệt tinh thần: Giữ gìn môi trường thi cử trong sạch, lành mạnh, công bằng… Minh chứng là không còn những vụ lộn xộn trong thi cử như bắc thang trèo tường, phao trắng sân trường… tại những nơi được cho là “điểm nóng” ở Hà Tây cũ, tỉ lệ thi tốt nghiệp ổn định ở mức cao và tất nhiên sẽ phải cố gắng để cao hơn nữa.
PV: Nếu vậy dưới nhãn quan của ông, sự kiện “Đồi Ngô” có thể hiểu như thế nào?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Phải nói vụ việc ở THPT Đồi Ngô là nghiêm trọng và gây bức xúc trong dư luận. Nhưng theo tôi có lẽ những người bức xúc và xót xa trước hết lại chính là đội ngũ những người làm giáo dục. Bởi không thể hiểu nổi cho đến tận bây giờ, vẫn còn có nơi tổ chức thi tốt nghiệp một cách bát nháo và vô trách nhiệm đến vậy. Nhiều giáo viên cũng đã tâm sự với chúng tôi như vậy. Có lý giải cho vụ việc này là vì “thương học sinh”. Nhưng theo tôi “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau”. Không một nhà giáo có trách nhiệm nào “dạy chữ, dạy người” bằng cách đó và đang tâm gửi cho xã hội những sản phẩm “đạt chất lượng” theo kiểu đó. Hôm nay đây, các cháu trưởng thành bằng những mẹo mực như vậy, rồi thi đại học sẽ chẳng cần học ôn, cũng thi bằng cách như vậy, rồi vào đời, đi thi công chức, viên chức, thi lấy bằng lái xe, thi nghề… rồi tham gia biết bao nhiêu cuộc đua tranh trong cuộc sống cũng bằng những mẹo mực trí trá như vậy, thử hỏi xã hội ta sẽ có những công dân như thế nào? Và rồi biết đâu, trong hàng chục cháu lén lút thò tay vào gầm bàn lấy tài liệu “quay cóp” hôm nay, mươi năm nữa sẽ có những cháu thò tay vào túi người khác…???
"Sự kiện Đồi Ngô" cũng làm đau lòng cả những nhà giáo dục
PV: Nhưng rõ ràng trách nhiệm đó không thuộc về học sinh, phải không thưa ông?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Người lớn mới là đáng trách trước tiên chứ… Cho nên phải xử lý thật nghiêm khắc những giáo viên, tập thể có sai phạm này.
PV: Để tránh lặp lại vụ việc “Đồi Ngô” cũng như giải quyết những tiêu cực trong thi cử, tiết kiệm cho xã hội đồng thời giảm áp lực cho học sinh… nhiều người cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Có giảng dạy, có học tập thì phải có kiểm tra đánh giá. Ở đây là vừa đánh giá trình độ học sinh, vừa đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên trong quá trình giảng dạy. Giống như dây chuyền sản xuất, dù luôn luôn ra 100% sản phẩm đạt chất lượng, người ta vẫn phải thực hiện khâu OTK (khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng), không thể bỏ đi được. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng vậy thôi. Vấn đề là không nên coi kết quả thi là tiêu chí duy nhất trong việc đánh giá đó mà còn ở những thước đo, công cụ kiểm định khác nữa. Cụ thể không thể lấy tỉ lệ học sinh tốt nghiệp là thành tích của cả một nhà trường gồm nhiều phương diện giáo dục được. Và để chấn chỉnh cho kỳ thi ấy trong sạch, điều cần phải làm là giáo dục sao cho học sinh “không muốn, không dám và không thể” tiêu cực trong thi cử. Điều này phụ thuộc rất lớn vào thái độ của các nhà quản lý, thái độ của giáo viên. Còn nếu vì tiết kiệm mà bỏ thi thì những “sản phẩm” không qua kiểm tra sẽ được gửi cho xã hội, khi đó còn tốn kém và lãng phí hơn nhiều so với chi phí tổ chức thi ấy chứ. Ít năm nữa, khi chúng ta tiến hành đề án cải cách toàn diện nền giáo dục nước nhà theo Nghị quyết của Đảng thì việc có tổ chức thi nữa hay không, công tác kiểm tra đánh giá sẽ được làm như thế nào… sẽ được làm rõ.
PV: Thế có nên giao cho các trường tự làm từ A đến Z trong kỳ thi tốt nghiệp như nhiều người đề xuất không thưa ông?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Như trên đã nói, vấn đề là chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích, chống dối trá chứ không phải là ai làm. Chưa chắc trường làm thi thì sẽ hết tiêu cực và sẽ tiết kiệm chi phí. Vả lại, vừa qua Bộ GD&ĐT đã giao bớt quyền chủ động cho các địa phương: không điều động hàng vạn thanh tra ủy quyền, không chuyển bài đi chấm chéo các tỉnh… nên kỳ thi cũng đã bớt cồng kềnh và giảm đáng kể chi phí xã hội.

Phải làm sao cho học sinh “không muốn, không dám và không thể” tiêu cực Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét