Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Nhạc sĩ Anh Quân: “…trừ khi là quá nhố nhăng!”

Trở về từ đêm nhạc tác giả của VN Idol với “điều tiếng nịnh vợ lộ liễu” (có báo lại khen là khéo nịnh), phu quân của ca sĩ Mỹ Linh ngồi trước mặt tôi với vẻ mặt… vô tội: “Thì vì tôi thấy giống thật mà!”. Luôn là một Anh Quân như vậy trước truyền thông: Không màu mè, nhưng vẫn đầy cuốn hút.
Nhạc sĩ Anh Quân: “Điều dễ chịu nhất là lúc này đứng trên sân khấu thấy rất gần gũi và gắn kết với khán giả, chứ không còn cái cảm giác ngài ngại, xa cách như xưa…”
´ Nhưng nịnh vợ thì có gì… xấu đâu nhỉ?

- Nhưng thực sự là không hề “rắp tâm” nịnh vợ, cũng chẳng phải lỡ lời. Mà chỉ đơn giản là tôi thấy Bảo Trâm giống Mỹ Linh thật mà, tất nhiên chỉ là trong đêm hôm đó, cũng cái kiểu tóc vuốt cao cao, cái váy dài dài...

´ Điều gì chờ anh ở nhà sau món quà dễ nghe: “Đẹp và… giống vợ anh” đó?

- Không có gì! Vẻ như cũng chả có tác dụng gì lắm đâu! Vì nếu là để khen, thì còn bao chuyện đáng khen và muốn được nghe hơn...

´ Nhưng đúng là diva của anh gần đây trông bắt mắt hơn hẳn, mà thay đổi đáng kể nhất là gu thời trang, anh có thấy thế?

- Thì dần dần cũng phải đẹp lên chứ! Hình như cũng đỡ hơn trước thật!

´ Cũng là năm mà diva và Anh Em đắt sô hơn bao giờ! Anh có thấy hài lòng?


- Anh Em thường xuyên có việc - phải nói đó là điều khiến tôi hài lòng nhất trong năm, khi đó là trách nhiệm mà tôi thấy mình gánh nhiều trọng trách hơn cả. Nếu như cách đây vài năm, người ta chỉ cần bật đĩa lên thay vì phải thuê cả một ban nhạc thì lúc này, để có một đêm nhạc tử tế đồng nghĩa với việc phải có một ban nhạc tử tế.

´ Theo anh vì sao gần đây người ta thường hay nhấn mạnh bốn từ “đêm nhạc tử tế”? Vì mọi sự trước đó quá tệ hay sao?

- Từ “tử tế” này tôi nghĩ có gì mới đâu nhỉ? Nếu như không muốn nói tôi đã dùng nó từ rất lâu. “Tử tế” ở đây chưa nói là hay, hoặc sang trọng, mà trước hết, là thái độ làm nghề.

´ Ngày càng có thêm nhiều hơn những “đêm nhạc tử tế” thu hút khán giả, dù điều kiện đi kèm là giá vé không hề rẻ trong thời buổi thóc cao gạo kém, anh nghĩ khán giả… đang nghĩ gì?

- Có thể là họ đã quá nhàm chán những thứ hoa hòe hoa sói, dùng cái nhìn lấn át cái nghe nên khi thấy sự tử tế quay lại, họ sẽ dễ mở lòng (và... mở hầu bao) hơn với nó chăng?

´ Vẻ như khán giả nhà mình đang… khôn ra?


- Tôi nghĩ là họ đã tỉnh táo hơn khi đã bắt đầu để ý nhiều hơn đến việc nếu bỏ tiền ra thì họ sẽ được gì. Khi sự tử tế là cây cầu nối, thì khoảng cách giữa hai bên tự dưng cũng được thu hẹp một cách đáng kể. Điều dễ chịu nhất là lúc này đứng trên sân khấu thấy rất gần gũi và gắn kết với khán giả, chứ không còn cái cảm giác ngài ngại, xa cách như xưa...

´ So với thời điểm kêu chán, trước một showbiz lẫn lộn vàng thau, anh hình như đang có một tâm trạng làm nghề tốt?

- Bấy nhiêu theo tôi chỉ nên coi nó là một tín hiệu lạc quan thôi, chứ khoan vội mừng! Bởi dù gì thì những chương trình tử tế như vừa nói thực ra vẫn còn ít vô cùng so với vô số chương trình tạp kỹ khác. Tuy nhiên, nếu như mỗi người góp một chút (chẳng hạn như chương trình Luala vừa qua), thì cục diện đó chắc chắn sẽ còn thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

´ Vậy, có bao giờ anh đi xem những chương trình… không tử tế?

- Có chứ! Vì một khi đã làm nghề, thì mình buộc phải biết mọi thứ hay, dở đang diễn ra. Trong đó, có những buổi diễn mình hoàn toàn không nằm trong đó, dù mình đứng ở đấy.

´ Năm vừa rồi cũng chứng kiến làn sóng ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn (trong đó có những chương trình mời cả Mỹ Linh tham gia), điều đó theo anh có góp được gì cho sự chuyển mình mà chúng ta đang mong đợi?

- Điều đó nói lên một nhu cầu có thật của một bộ phận không nhỏ công chúng (chủ yếu là những khán giả lớn tuổi tầm 50 - 60), thế hệ mà tôi tin chắc hầu như ai cũng có thể thuộc nằm lòng ít nhất một ca khúc của Tuấn Ngọc, Chế Linh... Đó là nhu cầu được sống lại những cảm giác từng có, cùng những kỷ niệm gắn liền với những ca khúc mang đậm màu sắc hoài cổ đó. Còn khán giả trẻ, tôi nghĩ bên cạnh nhu cầu muốn được tận mắt nghe các ca sĩ của Thúy Nga hát live, có thể còn vì phần nào đó, họ cũng tò mò vì sao những ca sĩ đó lại được các bậc phụ huynh của nhà mình yêu quý đến thế. Những nhu cầu đó, không hẳn là động lực chính cho một đời sống âm nhạc trên phương diện rộng, nhưng tôi nghĩ cũng là chính đáng!

´ Vậy còn làn sóng K-pop thì sao, trong một năm mà sao Hàn đổ bộ đến VN đông hơn cả? Một làn sóng mạnh tới mức thậm chí có thể khiến sao Việt bị thua trên chính sân nhà?

- Quanh chuyện sao Việt bị thua trên chính sân nhà, tôi cũng nghe nói có những nguyên nhân không hẳn xuất phát từ thiện ý. Tuy nhiên, dù sao, đó cũng chỉ là võ đoán và hy vọng thế. Ngoài ra, có thể còn vì tâm lý “xa thương, gần thường”, “bụt chùa nhà không thiêng”. Nhưng nguyên nhân chính, theo tôi, đó là do khán giả nhà mình trong khi mải mê thể hiện tình yêu thần tượng, đã ít nhiều quên đi ý thức tự hào dân tộc, qua việc cổ vũ hết mình cho những giọng ca đại diện cho nước chủ nhà trên chính sân nhà.

´ Anh có nghĩ sao Hàn được quý một phần còn vì ý thức giữ gìn hình ảnh ở họ là cao hơn hẳn sao Việt, khi họ vừa biết mỉm cười, nhưng một mặt, vẫn đứng rất xa? Trong khi, sao Việt nhà ta thì thậm chí còn có hẳn một nghề mới là… nghề đi dự tiệc?

- Sự so sánh này tôi e là khập khiễng khi nước người ta đã có hẳn một nền công nghiệp âm nhạc phát triển vượt bậc so với mình. Trong sự chuẩn hóa đó, mỗi ngôi sao đều có công ty quản lý riêng của mình và việc của họ là nhất nhất nghe theo để không cái gì bị đi chệch ra ngoài. Còn ở ta, cái gọi là công ty quản lý phần nhiều chỉ đơn giản là đứng ra nhận sô, thỏa thuận cátsê... mà thôi, chứ gần như không góp được bao nhiêu trong việc giúp xây dựng hình ảnh. Thêm nữa, thu nhập của ca sĩ ở ta, dù là cao hơn hẳn so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, nhưng nếu là so với chi phí cần bỏ ra cũng như mức thu nhập khủng của sao ngoại, thì cũng vẫn khiến họ phải chấp nhận “nhẵn mặt” trước truyền thông trong nhiều sự kiện cần đến họ. Điều đó theo tôi không thể trách được, trừ khi là quá nhố nhăng...

Nhạc sĩ Anh Quân: “…trừ khi là quá nhố nhăng!” Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét