Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Giá trị và niềm tin

Chiến thắng và được vinh danh ngoạn mục là Bài hát của năm 2012, cho đến hôm nay- giữa những ngày Hà Nội đang trong giá lạnh thấu da thịt thì Chiếc khăn Piêu vẫn là một đề tài được bàn luận nhiều nhất, góp phần hâm nóng đời sống âm nhạc trong nước. Chiếc khăn Piêu ra đời và đi qua 56 năm, vẫn được coi là một sự kiện âm nhạc, vẫn được nhiều người trẻ đón nhận- đây có lẽ là trường hợp hiếm với một ca khúc Việt Nam.
Những giá trị đích thực sẽ càng được khẳng định, càng có chỗ đứng
chắc chắn khi nó đi kèm với niềm tin tuyệt đối

Chiếc khăn Piêu được vinh danh bởi nó hội tụ đầy đủ những yếu tố cấu thành giá trị: là ca khúc đậm hồn dân tộc, được thể hiện qua bản phối khí tuyệt vời của Nguyên Lê, cộng với giọng hát xuất sắc của nam ca sĩ Tùng Dương. Vinh danh Chiếc khăn Piêu, sân chơi Bài hát yêu thích cũng được thăng hạng về giá trị. Số là trong lúc đời sống âm nhạc hiện nay đa phần hỗn độn, thiếu định hướng thì một chương trình của VTV- với đa phần là khán giả trẻ - đã mang đến cho công chúng yêu nhạc những món ăn tinh thần đích thực. Ở đó ca sĩ hát trực tiếp chứ không phải là hát nhép; ở đó khán giả mới là người có quyền quyết định ca khúc nào xứng đáng là ca khúc nhạc Việt được yêu thích nhất. Và cũng thật khó chấp nhận khi một tờ báo nọ nhận định: " …Cám cảnh cho âm nhạc Việt khi giải thưởng hôm nay được trao cho giá trị của hôm qua. Như thế nhạc Việt phát triển thụt lùi?!” Phải khẳng định rằng mỗi một chương trình đều có qui định và luật chơi nhất định, khi Chiếc khăn Piêu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí của một cuộc chơi, được lòng cả khán giả lẫn Ban tổ chức thì chiến thắng ấy hoàn toàn xứng đáng. Hơn nữa, những giá trị đích thực thì luôn trường tồn vĩnh cửu. Phải lấy làm mừng vì Chiếc khăn Piêu đã "già” nhưng chưa "cũ”.

Nhưng làm thế nào để giá trị đi kèm với niềm tin? Đây là câu hỏi đặt ra không chỉ trong trường hợp Chiếc khăn Piêu - Bài hát yêu thích -mà còn là câu chuyện dài dài với nhiều sân chơi khác trên truyền hình. Năm 2012 cũng là một năm có nhiều "nghi án” dàn xếp kết quả, dàn xếp giải thưởng ở những cuộc chơi. Đơn cử, ngay trong tháng 1-2012 của mùa giải đầu tiên, Bài hát yêu thích đã dính vào các nghi án làm sai lệch kết quả bình chọn, trong cuộc đua giữa Uyên Linh và Văn Mai Hương. Tiếp đó, trước live show Bài hát yêu thích tháng 3, việc Ban tổ chức chương trình hủy một loạt tin nhắn bình chọn cho ca khúc Sẽ mãi yêu anh của Ngọc Anh đã khiến nữ ca sĩ phẫn nộ, tuyên bố không tham gia chương trình này… Và cho đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đua tới danh hiệu Bài hát yêu thích năm 2012, những khiếu nại của Uyên Linh và nhạc sĩ Lưu Thiên Hương cũng chỉ xoay quang vấn đề: liệu có thế giới ngầm, có bàn tay can thiệp nào đó vào kết quả bình chọn hay không?

Tất nhiên, trong tất cả trường hợp khiếu nại chính thức, những người làm chương trình đã rất nhanh chóng phản hồi bằng văn bản với đầy đủ số liệu thống kê ghi nhận được từ hệ thống. Để chứng minh những tin nhắn bình chọn cho Ngọc Anh là ảo, Bài hát yêu thích đã chỉ ra những dãy số điện thoại liền kề, nhắn vào những khoảng thời gian xác định, nhắn đủ 5 tin chính xác theo thể lệ. Dù là một diva, Thanh Lam cũng bị hủy một phần kết quả khi Bài hát yêu thích công bố việc hệ thống của mình bị tấn công. Ở trường hợp của Uyên Linh- Người hát tình ca, thông cáo báo chí gửi đến cho truyền thông cũng kèm theo ảnh chụp màn hình, số liệu chi tiết (ngày, giờ, địa chỉ IP...) để kiểm chứng, bác bỏ khiếu nại của Uyên Linh và Lưu Thiên Hương.

Có thể thấy, việc Chương trình Bài hát yêu thích hủy một phần kết quả không chỉ của riêng một người vì lý do "bình chọn ảo” bằng sim rác, đã minh chứng cho khán giả thấy: nếu thực sự muốn can thiệp bằng mọi thủ pháp và mọi thủ đoạn vào kết quả bình chọn là điều hoàn toàn có thể làm được.

Thực tế cho thấy, nhiều khán giả không sòng phẳng, không công bằng trong cuộc chơi đã và đang làm như thế. Lâu nay, hiện tượng này cũng rất phổ biến ở những trò chơi trên truyền hình được phép bình chọn bằng tin nhắn cho thần tượng của mình. Và điều quan trọng hơn là khán giả cũng đặt ngược lại câu hỏi, sự hoài nghi với Ban tổ chức: có hay không những dàn xếp kết quả, dàn xếp chiến thắng chốn hậu trường? Và một khi mà khán giả đã "bán tín bán nghi”, thậm chí những lý lẽ của Ban tổ chức chưa đủ sức thuyết phục những người trong cuộc, thì chắc chắn những khiếu nại như với Bài hát của năm 2012 sẽ còn âm ỉ. Hơn thế, cái sự "bán tín bán nghi ấy” ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới giá trị của bài hát được vinh danh. Thiết nghĩ, Bài hát yêu thích và những sân chơi khác nữa trên truyền hình cần tiếp tục công khai, minh bạch và quyết liệt để bảo vệ một sân chơi đã trở thành thương hiệu. Có như vậy, mới lấy lại được niềm tin trong lòng công chúng.

Và không riêng ở lĩnh vực âm nhạc, không riêng gì với Bài hát của năm 2012 - Chiếc khăn Piêu - những giá trị đích thực sẽ càng được khẳng định, càng có chỗ đứng chắc chắn khi nó đi kèm với niềm tin tuyệt đối.

Giá trị và niềm tin Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét