Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Phát ngôn "đá" hình ảnh của người nổi tiếng

Mấy ngày qua, trên các diễn đàn và mạng xã hội, dư luận đặc biệt quan tâm đến lời lẽ "giang hồ" của Hà Linh The Voice với blogger Robbey.

Cuộc "khẩu chiến" này khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự mâu thuẫn giữa hình ảnh và phát ngôn của những người nổi tiếng.

Hình ảnh chỉn chu, điềm đạm của Hà Linh trên sân khấu The Voice.
Lời lẽ "giang hồ"
Theo tìm hiểu của PV, Hà Linh The Voice với blogger Robbey đang có một cuộc khẩu chiến vô cùng gay gắt và dữ dội trên mạng xã hội.
Hà Linh- Người được biết đến qua 2 cuộc thi truyền hình là "Sao Mai điểm hẹn", "The Voice 2013" xuất hiện một đoạn viết khá dài chỉ đích danh đối tượng được nhắc tới: Hot blogger Robbey. Robbey cũng đã từng là thí sinh tham dự chương trình The Voice với tiết mục "60 năm cuộc đời" với phong cách hát khác lạ khi kết hợp song ngữ Việt - Anh và "bẻ" sang thể loại Jazz. Robbey phải dừng cuộc chơi ngay sau vòng Giấu mặt.
Trên các diễn đàn và mạng xã hội, Robbey được biết đến như chủ nhân của những phát ngôn rất thẳng thắn và có phần hơi sốc về những câu chuyện của showbiz Việt. Còn Hà Linh, trong The Voice cô thể hiện một hình ảnh khá chỉn chu, chín chắn nhưng phát ngôn của Hà Linh trên trang cá nhân vừa qua lại được xem là không giống với hình ảnh đang thể hiện trước công chúng.
Theo những chia sẻ của Hà Linh có thể thấy Robbey đã "gây thù chuốc oán" với Hà Linh một thời gian khá dài, dù đã rất nhiều lần thỏa thuận với nhau rõ ràng nhưng đến tận bây giờ cô vẫn bị Robbey tiếp tục "trả thù". Cô cũng cho biết rằng rất nhiều người khuyên cô nên "xử" Robbey theo kiểu "giang hồ" nhưng cô nàng không muốn làm điều thất đức, chính bởi thế nên cô nàng đã viết ra tất cả mọi chuyện vừa để chia sẻ, vừa để "dằn mặt" chàng hot blogger này.
Trên trang fanpage của mình, Hà Linh gửi Robbey với tựa đề "Đôi lời nhắn nhủ đến Robbey" trong đó có đoạn: "…Mức độ chịu đựng của con người là có giới hạn. Nhiều người nói tôi hãy thuê giang hồ "xử" bạn đi, đến nhà bạn để ném chuột chết, rắn rết, mắm tôm, phân và nước tiểu... đi (họ có địa chỉ cụ thể đấy), hay có muốn "xử" bạn không thì họ sẽ dễ dàng sắp xếp cho bạn một vụ đụng xe, hoặc tìm gặp bạn để đánh cho bạn "nát mặt", hoặc "không còn tay để gõ những lời lẽ xúc phạm của bạn với tôi và mọi người nữa...".
Mặc dù Hà Linh không làm những điều như cô đã viết trên trang cá nhân nhưng không ít ý kiến cho rằng cô đã "mất điểm" khi phát ngôn gây "sốc" như vậy. Ngay cả lối "phản pháo" nhắm đến Hà Linh của Robbey cũng khiến nhiều người phải ái ngại về cách hành xử của những "người nổi tiếng".
Hình ảnh "đá"... phát ngôn?!
Cuộc "khẩu chiến" giữa Hà Linh The Voice với blogger Robbey khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự mâu thuẫn giữa hình ảnh và phát ngôn của những người nổi tiếng.
Theo nhận định của chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga, gần đây, rất nhiều phát ngôn, hành động của người nổi tiếng, nghệ sỹ… làm cho dư luận choáng, không phân biệt được thật - giả, tốt - xấu, không tìm thấy cái chuẩn đạo đức để dạy dỗ lớp trẻ. Đặc biệt, những phát ngôn sốc của sao; những hành vi, thái độ ứng xử không đúng mực giữa những người nổi tiếng (ví dụ như câu chuyện Hà Linh dùng lời lẽ "giang hồ" với blogger Robbey)… Tất cả những điều đó, nếu áp theo chuẩn đạo đức truyền thống thì đều chưa tới, không thể xếp vào bất cứ thang bậc nào.
Với pháp luật, những hành vi trên chưa đến mức phải chịu sự xử lý của pháp luật nhưng lại có ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của thế hệ trẻ. Điều đáng bàn, cuộc khẩu chiến vô cùng gay gắt và dữ dội trên mạng xã hội gữa Hà Linh và blogger Robbey cho thấy hình ảnh và phát ngôn của những người nổi tiếng đang mâu thuẫn nhau. Những phát ngôn đang làm xấu đi hình ảnh chín chắn, điềm đạm mà bấy lâu nay Hà Linh đã xây dựng.
"Với người bình thường, chuẩn đạo đức rất đơn giản, gần gũi với cuộc sống, công việc hàng ngày. Song, với người nổi tiếng, nghệ sĩ…, chuẩn đạo đức được nhìn nhận từ nhiều góc độ, khía cạnh. Những người chuẩn đạo đức đều có phát ngôn đúng lúc, đúng chỗ; có những hành xử kịp thời để làm tăng hoặc giảm sự ảnh hưởng của mình với người xung quanh. Tức là họ được trang bị kiến thức và có khả năng kiểm soát bản thân, biết kìm nén, bùng nổ đúng thời điểm", tiến sĩ xã hội học Trịnh Hoà Bình nói.
Nhận định về sự việc trên, TS. Trịnh Hoà Bình cho rằng: "Trong xã hội, con người sống không tách biệt và phải sống trong mối tương tác cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, cá nhân với xã hội, cá nhân với các thiết chế khác, nên thật khó để nói tôi chỉ dùng blog, trang nhật ký của tôi để nói về những điều tôi thích và nói về cái khác, người khác. Đương nhiên là nó sẽ tác động đến người khác và họ cũng phải chịu trận. Thật khó để nói chúng là của riêng tôi. Nỗi đau và niềm vui không phải là của riêng ai. Cách nghĩ đấy là vấn đề của riêng tôi là không thể chấp nhận được. Đó là chưa kể việc câu chuyện đó chỉ tác động thôi đã gây phiền chứ đừng nói gây hại cho người khác bằng các thông tin không chính trực, suy nghĩ thuần túy mang tính cá nhân".
Trả lời báo chí, ông Đào Kim Phú - Trưởng đại diện phía Nam Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Bộ Thông tin - Truyền thông cho hay, việc lợi dụng các mạng xã hội, các blog và điễn đàn mở để nói xấu, đưa ra những phát ngôn, nhận định về người khác là một thực tế có thật và đang có chiều hướng gia tăng. Theo ông Phú, sắp tới sẽ tăng cường vai trò quản lý Nhà nước để hoạt động thông tin điện tử lành mạnh hơn, kiểm soát những trang mạng đưa các thông tin vô bổ, vì mục đích vụ lợi cá nhân.
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Lĩnh - Công ty luật TNHH An Biên cho rằng, với tốc độ phát triển các trang mạng cá nhân, diễn đàn trên mạng như vũ bão hiện nay, ranh giới của việc nói xấu trên mạng, xâm phạm đời tư cá nhân người khác, xâm phạm doanh nghiệp khác hiện nay rất dễ bị lạm dụng. Cái khó là những kẻ lợi dụng diễn đàn để nói xấu đều ẩn danh. Còn mức phạt đối với chủ sở hữu các diễn đàn mạng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì "chỉ như gãi ngứa". Ở Trung Quốc, nếu nói xấu nhau trên mạng gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp thì bị phạt đến 1 triệu nhân dân tệ. LS. Lĩnh cho rằng, để hạn chế tình trạng lợi dụng các diễn đàn trên mạng để nói xấu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thì Nhà nước cần tăng biện pháp chế tài để đủ sức răn đe.
Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình nêu quan điểm: "Tôi không tán thành với việc sử dụng mạng xã hội một cách dễ dãi để bày tỏ chính kiến, thái độ, nhất là dùng để mạt sát, lên án người khác, nói không có sách, mách không có chứng, nói cho sướng miệng, đến lúc có chuyện thì lại xin lỗi và gỡ xuống là xong. Vấn đề không phải gỡ xuống là hết vì ngay khi bắt đầu thì nó đã lan tỏa trên mạng xã hội và tác động của thông tin đó đã gây hậu quả rồi".
-----------------------------------------------

Phát ngôn "đá" hình ảnh của người nổi tiếng Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét