Trắng tay, xóa sổ
Như thế, hàng loạt các trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật như ĐH Sân khấu Điện ảnh (SKĐA - Hà Nội và TPHCM), Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, Nhạc viện TPHCM, ĐH Mỹ thuật (HN, TPHCM), ĐH Mỹ thuật CN (HN, TPHCM)... đều bị dừng tuyển sinh đối với các ngành cơ bản: Chỉ huy âm nhạc, thanh nhạc, hội họa, gốm, thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa, đồ họa... Trường ĐH SKĐA TPHCM cũng không được tuyển sinh hệ CĐ các ngành quay phim, nhiếp ảnh, thiết kế mỹ thuật, diễn viên sân khấu - kịch hát, đạo diễn sân khấu, diễn viên kịch điện ảnh. Do không đủ số giảng viên cơ hữu là 4 thạc sĩ, sau khi trừ đi số giảng viên cơ hữu chủ trì ngành đại học tương ứng...
Đặc biệt, riêng Trường ĐH SKĐA Hà Nội phải dừng tuyển sinh 15/18 ngành đào tạo cơ bản: Biên kịch sân khấu, đạo diễn điện ảnh - truyền hình, biên kịch điện ảnh - truyền hình, thiết kế mỹ thuật sân khấu - điện ảnh, quay phim, biên đạo múa, lý luận và phê bình sân khấu... Kể cả hai ngành đào tạo ở hệ CĐ của trường là diễn viên sân khấu - kịch hát và công nghệ điện ảnh - truyền hình cũng bị dừng. Như vậy, với quyết định này, có thể nói Trường ĐH SKĐA - trường duy nhất của VN là thành viên Hiệp hội các Trường điện ảnh - truyền hình thế giới và Hiệp hội các Trường đào tạo sân khấu Châu Á này gần như bị “xóa sổ”.
Điều quan trọng hơn nữa là công tác đào tạo nghệ thuật của cả nước sẽ bị đứt đoạn chưa biết đến bao giờ, trong khi xã hội thì vẫn than phiền về thẩm mỹ nghệ thuật đang xuống dốc do tư tưởng “ăn xổi” của không ít nghệ sĩ thị trường tự do.
Tiến sĩ có giúp nâng cao chất lượng đào tạo?
Trước tình hình trên, ngày 9.2, Trường ĐH SKĐA Hà Nội đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để trình bày về sự đặc thù trong đào tạo nghệ thuật, với hy vọng khai thông quan điểm chung về những nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực đào tạo đặc biệt này.
Ông Trần Thanh Hiệp - Hiệu trưởng trường - cho rằng: “Chuyện rà soát lại tất cả các ngành đào tạo để đào thải những ngành không có chất lượng, không đảm bảo nhu cầu của XH là hợp lý và ủng hộ. Nhưng chúng tôi bất ngờ, trong quyết định của Bộ GD-ĐT có gì đó hơi vội vã, cứng nhắc. Giá trước khi đưa ra một quyết định có ảnh hưởng đến toàn bộ một mảng VHNT rất lớn của đất nước: Kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương); toàn bộ sân khấu hiện đại (biên kịch, thiết kế mỹ thuật, phim hoạt hình, thiết kế trang phục, âm thanh, ánh sáng); nhiếp ảnh; điện ảnh... thì Bộ GD-ĐT cũng nên trao đổi, bởi đây là trường đào tạo những ngành rất đặc thù”.
Bản thân cũng là PGS-TS, nhưng ông Trần Thanh Hiệp hiểu rất rõ rằng giảng dạy sáng tác là người phải có thực tiễn sáng tác, có kinh nghiệm, có tài năng chứ không chỉ là bằng cấp. Ông dẫn chứng, hàng loạt nhà biên kịch, sáng tác kịch bản hàng đầu của điện ảnh VN, đang tham gia giảng dạy ở trường như Đoàn Tuấn, Thiên Phúc, Lê Quý Hiền, Trịnh Thanh Nhã... đều chỉ có bằng cử nhân. Rồi nhà quay phim Trần Trung Nhàn không phải là tiến sĩ (cử nhân Trường Sân khấu Điện ảnh Mátxcơva), nhưng với tài năng và kinh nghiệm làm nghề của mình, ông đã đào tạo nhiều thế hệ nhà quay phim của điện ảnh truyền hình VN, nhiều học trò của ông đã là NSND, NSƯT...
Có một thực tế nữa, đôi khi có những sinh viên, trước khi dự tuyển vào một ngành đào tạo nào đó lại hỏi dò trước là trường sẽ mời thầy nào làm chủ nhiệm. Nếu biết người ấy không phải là người làm nghề giỏi, nổi tiếng trong giới mà chỉ là có bằng cấp cao thôi thì sinh viên ấy lại không thi nữa, đợi đến năm sau. Vì thế, chúng tôi cũng không khuyến khích việc giữ sinh viên giỏi ở lại để giảng dạy hoặc học tiếp lên cao học sau này bởi như thế, họ chỉ có thể truyền cho sinh viên những kiến thức cơ bản thôi chứ không có kinh nghiệm nghề”.
Nhà phê bình Lê Quý Hiền cũng cho rằng: “Đào tạo trong trường nghệ thuật chính là dạy nghề; vì thế, người dạy phải tinh thông nghề nghiệp. Khác với các nghề khác, diễn viên, nhà quay phim, đạo diễn... dù có bằng tốt nghiệp đại học nhưng nếu không xuất hiện trước công chúng, không có tác phẩm thì cũng không thể gọi là diễn viên hay đạo diễn được... Diễn viên giỏi, nổi tiếng do gắn với nhà hát, đoàn diễn chứ diễn viên ra trường ở lại giảng dạy thành “giáo viên cơ hữu” thì làm sao thành nghệ sĩ tài năng, nổi tiếng, giỏi nghề để có kinh nghiệm dạy sinh viên?”.
Quản lý theo kiểu “ai biết việc người nấy”?
Ông Trần Thanh Hiệp cũng chỉ biết thông tin về việc ngừng tuyển sinh này qua mạng. “Mới đầu chúng tôi cứ nghĩ đó là thông tin không chính xác, nhưng sau đó được đọc văn bản chính thức và cảm thấy rất bất ngờ” - ông Hiệp cho biết thêm. Được biết, Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL - đơn vị quản lý về mặt hành chính của trường - cũng không được hỏi ý kiến gì trước quyết định này. Phải chăng quyết định được đưa ra một cách rất “automatic” dựa trên báo cáo của từng trường về đội ngũ giảng viên cơ hữu rồi “áp” với tiêu chuẩn của bộ GD-ĐT, mà không có sự xem xét cụ thể đối với những trường hợp đặc thù như các trường đào tạo nghệ thuật? Điều đáng chú ý nữa là cũng trong ngày 25.1 - ngày Bộ GD-ĐT ra quyết định nói trên - thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng ký quyết định phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Trong đó nói rõ: Bảo đảm chất lượng và bảo đảm số lượng đào tạo chính quy đối với các ngành nghề chủ yếu. Bình quân mỗi năm đào tạo 15-20 đạo diễn, 10-15 nhà quay phim, 10-15 nhà biên kịch, 10 lý luận - phê bình, 10-15 nhà phát hành phim, 10-20 quay phim...; thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật - công nghệ, họa sĩ hóa trang, diễn viên... cũng đều có số lượng chỉ tiêu cụ thể; mở thêm ngành đào tạo nhà sản xuất phim, nhà phát hành phim... Hằng năm phải mở các lớp đào tạo, thực tập ngắn hạn để nâng cao tay nghề cho 20-30 đạo diễn; 10-15 người ở mỗi lĩnh vực nhà sản xuất phim, nhà phát hành phim, biên kịch, quay phim, thiết kế mỹ thuật; 15-20 diễn viên...
Như vậy, với việc ngừng tuyển sinh từ năm 2014 và nếu như sau năm 2015 mà vẫn không đáp ứng được tiêu chuẩn giảng viên cơ hữu (điều này là chắc chắn) của Bộ GD-ĐT thì không hiểu liệu rằng điện ảnh VN có đạt được mục tiêu “đến năm 2030, điện ảnh VN có đội ngũ sáng tác, sản xuất phim có trình độ chuyên môn cao trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á, trong đó có những tài năng được quốc tế công nhận” - như trong “Quy hoạch...” đã đề ra?

-----------------------------------------------