Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Mừng hụt

Bộ GD&ĐT một tháng trước đưa ra tuyên bố "cực chất” như một nỗ lực mạnh mẽ lập lại kỷ cương - quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành ĐH của 71 cơ sở đào tạo vì không đáp ứng điều kiện quy định. Quyết định này đáng được coi là một quyết sách thiết thực góp tạo diện mạo mới cho bức tranh giáo dục Việt Nam. Nhưng lường trước bệnh kinh niên đầu voi đuôi chuột, báo Đại Đoàn Kết trong mục Thời luận có bài "Siết chặt kỷ cương đào tạo” (ra ngày 8-2-2014) đã mong Bộ này kiên quyết tránh giơ cao đánh khẽ. Và đúng như thế thật. Mừng hụt thật. Bộ vừa công bố danh sách 62 ngành học được tuyển sinh trở lại ngay năm nay. Động thái "tích cực” này của Bộ và nhiều cơ sở đào tạo nhịp nhàng, nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng, lại khó hiểu đến nỗi có báo hỏi "Chuyện gì đây!”.



Sẽ còn nhiều ngành được tuyển sinh lại ngay trong năm 2014?

Ừ, thì đành vậy chứ biết sao khi Bộ GD&ĐTvà các trường đã tự hợp lý hóa đủ thứ, trong đó cái lý lớn nhất là họ đã "cơ cấu lại”, quy chế và đội ngũ. Nhưng thất vọng vì quy định mới này vẫn theo kiểu quản lý tập trung quan liêu. Và bao nhiêu năm nay, bất cập của quản lý giáo dục là tiền hậu bất nhất, nhiều lần nói đổi mới, nhưng sự thay đổi không tương xứng. Vậy cái lý để hợp lý hóa việc tuyển sinh trở lại thế nào?

"Cơ cấu lại” những giải pháp linh hoạt, đảm bảo giúp nhiều trường ĐH đủ số giảng viên cơ hữu theo yêu cầu giai đoạn 2014 – 2017, Bộ GD&ĐT cho phép các trường nghệ thuật tính giảng viên cơ hữu với giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành đã nghỉ hưu, có hợp đồng dài hạn, làm việc toàn phần. Chấp nhận các chuyên gia nước ngoài sang VN có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ giảng dạy dài hạn ngành ngôn ngữ…

Nếu vụ dừng đào tạo 207 ngành học là dừng thật, khoảng 1/3 thí sinh rất xứng đáng dừng lại trước cánh cổng ĐH, để họ theo học CĐ, trung cấp nghề, nhưng nay "dừng giả” nên họ sẽ vẫn ung dung "qua ải”. Chỉ tội cho những sinh viên đang và sẽ học ở những ngành học dừng rồi tuyển tiếp đó, chất lượng ra sao, xót thương cho tương lai đất nước với nguồn nhân lực "linh động” đào tạo. Vậy ai chịu trách nhiệm nguồn nhân lực tương lai, nhất là sinh viên các ngành học mà đội ngũ giảng viên "vá víu”? 

Trong khi đó, tỉ lệ bình quân cả nước ta chỉ có không quá 5% giảng viên ĐH là GS, PGS và khoảng 500 sinh viên/1 GS, PGS - một tỷ lệ đáng báo động. Cũng chỉ khoảng 70% GS, PGS là giảng viên dù từ lâu nhiều người đề nghị "trả” chức danh GS, PGS cho người giảng dạy, đây là chức danh của nhà giáo ĐH, không phải mỏ mác để ngoài ngành lấy oai. 

Chưa kể trong số tân GS, PGS năm 2013 chênh lệch vùng miền rất lớn: 73,17% ở Hà Nội, 10,84% ở TPHCM, còn lại ở tất cả các tỉnh và thành phố chỉ là 15,99%. Tới đây các trường được hợp lý hóa giảng viên GS, PGS cơ động kiểu mới, đội ngũ này tiếp tục tha hồ "chạy sô”   tối tăm mặt mũi ở cả ba miền, khỏi cần lo nghiên cứu, sáng chế – một yêu cầu tất yếu đang trở thành xa xỉ ở nhiều trường ĐH. 

Cái lý để quyết định cho các ngành tuyển sinh "như chưa hề có chuyện phạm quy” còn là Bộ dựa trên báo cáo giải trình của các trường, rồi đề nghị của Bộ, ngành chủ quản, cùng với kết quả rà soát đối chiếu với hệ thống dữ liệu giảng viên của Bộ. Dường như Bộ nào cũng quá "xót xa” việc các trường bị dừng tuyển sinh, nên phối hợp gọn gàng sớm sủa.

Cơ chế xin – cho đã lộ đến thế này, liệu cơ chế đáng sợ đó còn lây lan đến đâu giữa các đơn vị trong ngành, giữa nội bộ trường, giữa trường với giảng viên, học sinh? Bức xúc trước sự hợp lý hóa vội vàng này, nhiều người đặt câu hỏi: Bộ cho phép tuyển sinh trở lại nhanh chóng là vì quyền lợi của ai – lợi ích kinh tế các trường hay vì lý do gì khác? Nhưng đây mới là đợt 1, đợt hai "xét lại” còn công bố tiếp. 

Hội chứng "giải trình”, "giải quyết linh hoạt giai đoạn quá độ” đang bào mòn kỷ cương đào tạo bằng những lập luận tiền hậu bất nhất, có tên "linh hoạt”. Tuyên bố hồi tháng trước của một lãnh đạo Bộ "chậm nhất đến 31-12-2015, Bộ sẽ xem xét cho phép tuyển sinh trở lại nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh được khắc phục”, giờ hóa chuyện đùa!  

Nếu vẫn giữ cách làm thô sơ theo kiểu "tổng động viên trách nhiệm” quản lý đào tạo, trách nhiệm đảm bảo chất lượng ắt là thứ trách nhiệm "cha chung”. Sẽ vô số sinh viên ra trường có bằng đỏ bằng xanh mà không làm được gì, không đâu nhận về, chẳng thế biết kêu ai. Và biết đến đời nào, ĐH VN mới lọt vào Bảng xếp hạng 100 đại học tốt nhất thế giới. Bảng xếp hạng này năm 2014 của tạp chí Times Higher Education (Anh) vừa công bố cho thấy các đại học Mỹ vẫn chiếm áp đảo 50%, Nhật Bản có 5 trường lọt vào danh sách năm nay, Singapore 2 và Trung Quốc 2.

Chiếc áo không làm nên thầy tu. Đâu phải trường nào đủ đầy cơ số GS, TS cũng đào tạo tốt. Nhưng đã đặt ra quy định, trước hết lãnh đạo ngành cùng toàn ngành phải tôn trọng, xã hội mới có thể tôn trọng và tin ở "phép Bộ”. 

Dù xã hội rất muốn tin với việc cho tuyển sinh lại 62 ngành học, "Bộ GD&ĐT không thay đổi hoặc giảm điều kiện đảm bảo chất lượng” như khẳng định của Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, nhưng hiểu theo nghĩa nào, lộn xộn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng ngành học vẫn là một diễn tiến đáng buồn trong hệ thống giáo dục. Nó chẳng những làm biến dạng mà còn tầm thường hóa chất lượng một bậc học "tinh hoa”.
-----------------------------------------------

Mừng hụt Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét