Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Tuyển sinh “SOS”!

Chỉ còn năm ngày nữa là các thí sinh (TS) bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ 2014, nhưng tài liệu duy nhất có đầy đủ thông tin tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ trên cả nước là cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2014 lại chưa được phát hành. Nhiều phụ huynh và TS bắt đầu hoang mang, khi không biết chỉ tiêu tuyển sinh của các trường năm nay sẽ có gì thay đổi.

“Bức tranh” ảm đạm
“Cứ mở trường ra là có người vào học” là thực tế của việc tuyển sinh ĐH-CĐ năm-bảy năm về trước. Còn vài năm trở lại đây, bức tranh đó đã “đổi màu”. Gần nhất, trong kỳ tuyển sinh 2013, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 98 trường chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu, trong đó có 25 trường ĐH và 73 trường CĐ (58 trường công lập - CL và 15 trường ngoài công lập - NCL). Điển hình là các trường ĐH Chu Văn An chỉ nhận được 50 hồ sơ/1.000 chỉ tiêu (5%), ĐH Lương Thế Vinh: 100 hồ sơ nhập học/1.000 chỉ tiêu (10%), ĐH Hòa Bình: 140 hồ sơ/600 chỉ tiêu (hơn 23%), ĐH Đại Nam: 700/2.000 chỉ tiêu (35%). Ở bậc CĐ tình hình còn bi đát hơn.
Trước đó, trong kỳ tuyển sinh 2012, tính chung cả nước có đến 20% chỉ tiêu không tuyển được. Trước nữa, trong kỳ tuyển sinh 2011, hàng chục trường ĐH (cả CL và NCL) đều phải tuyển đến nguyện vọng 3 - nguyện vọng bổ sung, với một số lượng chỉ tiêu rất lớn như ĐH Thái Nguyên: 1.800, ĐH Đà Lạt: 500, ĐH Hùng Vương: 900, ĐH Kỹ thuật công nghệ: 1.000… nhưng số hồ sơ nộp vào cũng chỉ lác đác.
Nguyên do được nhắc đến nhiều nhất là vì “rào cản điểm sàn” (năm nay đã bỏ). Thực tế, nguyên nhân chính yếu và sâu xa là do sự “ra đời” và “lên đời” ồ ạt của các trường ĐH, CĐ CL. Cụ thể, trong 10 năm từ 2001-2011, NCL tăng thêm 59 trường ĐH-CĐ, CL tăng thêm đến 158 trường, gấp gần ba lần. Tính chung, trong 10 năm ấy, cả nước có thêm 217 trường cả CL và NCL, chiếm 48,2% số trường ĐH-CĐ trong cả nước.
Số trường tăng lên kéo theo chỉ tiêu tuyển cũng tăng chóng mặt. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ trong ba năm từ 2011-2013, tổng chỉ tiêu đã tăng 29,2% so với trước đó, trong khi số lượng HS lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT lại có xu hướng giảm dần, tổng cộng khoảng 10%. Hơn nữa, nhiều HS sau tốt nghiệp không đủ khả năng (năng lực học tập và năng lực tài chính) theo học ĐH, nhiều HS du học và theo học các chương trình liên kết với nước ngoài...
Thí sinh trong kỳ thi ĐH-CĐ 2013

Liệu có “tươi sáng” hơn?
Để tháo gỡ khó khăn cho các trường, từ kỳ tuyển sinh năm 2012, Bộ GD-ĐT đã tiến hành hàng loạt biện pháp như: ra đề thi dễ hơn và thay đổi cách tính điểm sàn để có số lượng TS đạt điểm sàn nhiều hơn nhằm giúp các trường có nguồn tuyển dồi dào; hạ điểm “sàn” đối với những TS các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; cho phép nhiều trường áp dụng điều 33 Quy chế tuyển sinh để hạ điểm chuẩn; miễn thi đối với những TS có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên tại 62 huyện nghèo… Tuy nhiên, tình hình vẫn không khả quan. Cho nên, dù có bỏ điểm “sàn” và trả quyền tự chủ tuyển sinh cho một số trường ngay trong kỳ tuyển sinh 2014 này, thì theo Tiến sĩ Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, vẫn “chưa thể tạo ra sự thay đổi lớn, chưa tạo được hiệu quả ngay tức khắc”.
Theo tính toán của Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, với cơ cấu 86% SV CL và 14% SV NCL như hiện nay, chỉ cần tăng chỉ tiêu lên 10% thì số lượng tuyển thêm của các trường CL đã chiếm khoảng 60% chỉ tiêu vào các trường NCL, các trường NCL sẽ bị bóp chết ngay tức khắc.
Ở các trường ĐH lớn và có tính chất tổng hợp trên thế giới, quy mô cũng chỉ khoảng 10.000-12.000 SV, tức mỗi năm họ chỉ tuyển khoảng 2.500-3.000 SV; còn các trường chuyên ngành thì chỉ tuyển khoảng vài trăm SV mỗi năm; trong khi quy mô SV của các trường ĐH Việt Nam là quá lớn. Trước thực tế đó, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chất lượng của Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL, nhận xét: “Bộ GD-ĐT phải có những đòi hỏi khắt khe hơn để cải thiện chất lượng, nhất là đối với những trường do Nhà nước đầu tư. Ngoài ra, Bộ cần kiểm soát và cân đối lại chỉ tiêu của các trường CL để CL và NCL cùng tồn tại, cạnh tranh lành mạnh, công bằng".
Với quan điểm, ĐH không phải là bậc học phổ cập mà là nơi thỏa mãn được yêu cầu của những người thực sự muốn đi học để trở thành người hữu dụng, các trường ĐH phải biết người đi học thực sự cần gì, đồng thời phải thỏa mãn được lợi ích của người đi học và lợi ích của xã hội. Muốn thế thì trường phải ra trường. Ngoài ra, chất lượng đào tạo vẫn luôn là yếu tố sống còn đối với một trường ĐH. Nếu không quan tâm đến chất lượng, sớm muộn gì trường ĐH cũng sẽ chết.
Có thể thấy, với tình trạng tuyển sinh èo uột những năm qua, nhiều trường ĐH-CĐ đang hoạt động cầm chừng, không thể củng cố chất lượng và cũng không thể được tăng chỉ tiêu, đó là những thông tin mà phụ huynh và TS cần biết nhất trước kỳ tuyển sinh, nhưng vẫn chưa được Bộ GD-ĐT công bố rõ ràng.
-----------------------------------------------

Tuyển sinh “SOS”! Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Nặc danh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét